Truy cập nội dung luôn

Trọn đời trên đồi chè

Nghề làm chè của Thái Nguyên đã trải qua cả trăm năm với nhiều thế hệ người làm chè. Trong số gần 100 nghìn hộ dân gắn bó với nghề trồng, chế biến chè trên toàn tỉnh, có rất nhiều người dành trọn cuộc đời để một nắng hai sương trên đồi chè, kể cả khi tuổi đã cao, tấm lưng đã còng, mái tóc đã bạc trắng.

Bà Uông Thị Oanh, 70 tuổi, xóm Trung Thành, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ hơn 40 năm gắn bó với vườn chè

Vốn không kén lao động, nghề chè thu hút mọi đối tượng, lứa tuổi tham gia lao động, sản xuất. Song những năm gần đây, tại nhiều vùng chè của tỉnh đã báo động tình trạng thiếu hụt lao động nghề chè, thanh niên nam nữ tìm đến các khu công nghiệp để có công việc và thu nhập tốt hơn nên mọi việc đồng áng đều chất lên tấm lưng còng của cha mẹ già.

Tại xóm Nam Sơn, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên - nơi được coi là đất tổ của cây chè trung du Thái Nguyên, nhiều hộ đã phá bỏ toàn bộ diện tích chè để trồng keo thay thế. Ông Nguyễn Duy Tiên, 72 tuổi, Bí thư Chi bộ tâm sự rằng xóm làm chè từ thời cụ Đội Năm cách đây cả thế kỷ, đến đầu những năm 2000, xóm vẫn còn những cây chè cổ từ thời đồn điền, cây nào cây nấy thân to bằng bắp đùi người lớn, tán bằng cái nia, được mang đi tham dự các Lễ hội chè. Trước đây 100% số hộ làm chè mà giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, xóm chỉ còn vài hộ còn sao chè, hầu hết bán búp tươi giá thấp hoặc bỏ hẳn không thu hái. Lý do là bây giờ toàn ông bà già, thanh niên hơn 100 cháu đi làm ăn xa, mong muốn khôi phục vườn chè nhưng đành lực bất tòng tâm. Cả đời gắn với vườn chè, tiếc chất chè quý, ông Tiên vẫn tự tay chăm sóc, thu hái và sao chè, mặc dù diện tích vườn chè gần 20 năm tuổi chỉ còn chưa đến 200 m2, mỗi lứa sao khô được gần 3 kg, chỉ đủ để nhà dùng và biếu người thân.

Cùng gia đình đến khai hoang lập nghiệp tại xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ từ đầu những năm 1960, gia đình gắn bó với nghề làm chè suốt 60 năm nay, ông Đoàn Văn Nhất, 70 tuổi, vốn dĩ vóc người bé nhỏ, mấy năm nay sức khỏe yếu càng khiến ông gầy còm, tuy vậy ngày ngày mọi người vẫn thấy ông cần mẫn trên đồi chè. Tự hào nói về nghề làm chè ở Hòa Khê 1, ông Nhất cho biết gần 100% số hộ xóm trồng và chế biến chè, tổng diện tích chè toàn xóm hiện đạt 80 ha. Cây chè trung du là một trong những loại cây đầu tiên được bà con trồng làm cây chủ lực phát triển kinh tế. Gần đây, nhiều hộ đã chuyển đổi trồng sang các giống chè cành năng suất chất lượng cao, như: LDP1, TRI777... Hơn 90% diện tích chè được phun tưới bằng vòi phun tự động, 100% số hộ sử dụng tôn quay, máy vò bằng mô tơ tự động, khoảng gần 10 hộ có máy hút chân không để đóng gói sản phẩm chè xuất ra thị trường. Do chất lượng tốt, chè bán ra thị trường từ 200 - 300 nghìn đồng/kg, thậm chí một số hộ bán tới 700 nghìn đồng/kg. Tính bình quân, mỗi năm làng nghề chè truyền thống xóm Hòa Khê 1 xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh được khoảng 40 tấn chè búp khô, doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm. Ông Nhất cùng các gia đình anh em ruột của ông là những người làm kinh tế giỏi nhất, nổi bật là làm chè. Nhờ cây chè, ông đã lo cho 4 người con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang. Hiện chỉ 2 ông bà trông vào vườn chè là sống ổn. Mỗi ngày, bà Hà vợ ông hái được từ 18 - 20 kg búp tươi, “còn tôi vừa yếu vừa chậm như sên, hái được 10 kg là giỏi, nếu đi hái thuê cũng được trăm nghìn đồng, đủ tiền gạo rồi”. Ông Nhất hóm hỉnh bảo, nếu tính số bước chân đi quanh vườn chè của ông từ lúc trẻ đến giờ, chắc đã đi được mấy vòng quả đất!

Trong cái nóng oi bức của một buổi sáng cuối tháng Sáu, chúng tôi có dịp thăm vườn chè và trò chuyện với bà Uông Thị Oanh, 70 tuổi, xóm Trung Thành, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ. Luôn tay hái từng búp chè một cách rất cẩn thận, bà vui vẻ kể đã hơn 40 năm gắn bó với vườn chè gần 3 sào này. Trước đây là chè trung du trồng hạt, giờ là chè giống 777, cứ 35 ngày được 1 lứa, mỗi lứa được tầm 150 kg búp tươi, thu mua giá 30 nghìn đồng/kg búp tươi thì cũng không phải là thấp nhưng năm nay người làm chè lỗ vốn. Lý do là phân đắt quá, thời tiết cũng nóng lạnh nắng mưa thất thường nên chè đã còi cọc lại còn bị sâu phá hoại. Nhưng dù có lỗ cũng không thể bỏ chè, đã gần cả đời làm chè, no đói nhờ chè, mấy chục năm nay mưa nắng đều có mặt trên đồi chè, mưa thì làm cỏ, nắng thì tưới nước, nhớ đến từng đặc điểm hình dáng của từng cây chè, tình cảm đối với vườn chè rất sâu nặng, khi chè bị sâu bệnh cũng cảm thấy như chính mình đang đau ốm… Vả lại, làm chè bây giờ không vất như thời trước nên vẫn có thể túc tắc đỡ con cháu một tay.

Nở nụ cười hiền hậu khi chìa cho chúng tôi xem những búp chè non ngát hương, chúng tôi đọc được niềm vui trong công việc và tình cảm sâu đậm của bà đối với chè. Mái tóc trắng như mây của bà Oanh, dáng người bé nhỏ của ông Nhất… in bóng trên nền chè xanh biếc là hình ảnh không thể nào trọn vẹn hơn, về sự tảo tần của người làm chè ở đất chè Thái Nguyên.

CTV Hương Ny
thainguyen.gov.vn