Tìm lời giải cho bài toán tiêu thụ chè
2024-12-12 12:52:00.0
Giới thiệu sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP tại Nhà đón tiếp, trưng bày ATK, xã Trung Hội, huyện Định Hóa
Chưa bao giờ ế!
Từ nhiều thập kỷ qua, nghề làm chè Thái Nguyên đã trải qua nhiều thăng trầm, một lý do quan trọng để người làm chè gắn bó với nghề là dù đắt hay rẻ, trà vẫn bán được và luôn là nguồn thu nhập đều đặn của các hộ gia đình. Hiện nay, sản phẩm trà Thái Nguyên đã có mặt trên thị trường 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha; đứng đầu cả nước cả về diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm. Năm 2023, sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đạt 267,5 nghìn tấn (tương đương 53,5 nghìn tấn trà búp khô), đạt giá trị 12,3 nghìn tỷ đồng. Giá bán chè móc câu trung bình từ 200.000 đồng/kg - 400.000 đồng/kg, chè tôm nõn giá 600.000 - 750.000 đồng/kg. Một số vùng chè đặc sản đã sản xuất các sản phẩm trà cao cấp có giá trị cao từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg.
Thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên, đạt gần 40 nghìn tấn/năm với giá tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định. Chè Thái Nguyên đã trở thành thương hiệu dẫn đầu ngành chè cả nước, các sản phẩm được bày bán rộng rãi tại nhiều siêu thị, đại lý, cửa hàng, nhà phân phối lớn nhỏ… hình thành nên mạng lưới tiêu thụ rộng khắp cả nước với đa dạng các sản phẩm và bao bì, nhãn mác.
Tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương - một trong những vùng chè nguyên liệu lớn nhất tỉnh, cơ sở chế biến của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (40 tuổi, xóm Đan Khê) chế biến và cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn chè búp khô mỗi năm. Chị Huệ cho biết, trước đây vợ chồng chị vừa trồng, vừa thu mua chè búp tươi của bà con trong xóm để chế biến, nhưng gần 10 năm nay để đáp ứng nhu cầu đặt hàng, gia đình chị chỉ chuyên tâm vào sao sấy. Bình quân, mỗi ngày hai vợ chồng chị chế biến được 100 kg chè thành phẩm, làm việc không ngơi nghỉ từ 7 giờ sáng đến 1 giờ đêm, hầu như chỉ nghỉ vào mấy ngày tết Nguyên đán. Tất cả sản phẩm đều do khách buôn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đặt trước, cao cấp là trà nõn giá giao buôn 400 nghìn - 420 nghìn đồng/kg, trà búp thường giá 150 nghìn đồng/kg.
Chị Huệ cho biết, bạn hàng toàn là khách quen, làm ăn lâu dài nên họ đòi hỏi rất cao về sản phẩm. Để kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, chị phải giữ mối liên kết mật thiết với các hộ trồng chè trong xóm, hướng dẫn kỹ thuật và yêu cầu họ tuân thủ quy trình sản xuất an toàn cũng như kỹ thuật thu hái để đảm bảo đạt chất lượng cao nhất. Mặc dù có khách hàng ổn định song hầu hết sản phẩm trà của gia đình chị đều không nhãn mác, bán dưới dạng nguyên liệu, trà dù đảm bảo cả về độ an toàn và chất lượng nhưng vẫn không có thương hiệu, nên chưa xây dựng được uy tín với thị trường. Việc tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào bạn hàng.
Khách du lịch tìm hiểu các sản phẩm trà tại HTX Chè Hảo Đạt (xã Tân Cương)
Nhưng không dễ bán!
Sau gần 7 năm hoạt động, HTX Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ) hiện có gần 200 hộ thành viên và liên kết, vùng nguyên liệu 70 ha gồm 50 ha sản xuất an toàn và 20 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ đã được cấp mã vùng trồng. HTX đã có 6 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Sản phẩm trà Thịnh An có giá bán từ 250 nghìn đồng - 5.000.000 đồng/kg tại 48 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều sản phẩm được bán tại các siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bạc Liêu… Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX tâm sự: “Chúng tôi đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, 100% diện tích chè đều đạt chuẩn VietGAP và hữu cơ. Tuy nhiên, sức tiêu thụ còn có hạn, ở mức trên dưới 100 tấn búp khô/năm, HTX không có khả năng bao tiêu sản phẩm cho tất cả các hộ thành viên và liên kết”.Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tham gia vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành Chè hiện nay có 38 doanh nghiệp, 161 HTX, 259 làng nghề và hàng trăm tổ hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ trà với trên 91 ngàn hộ nông dân trồng chè. Trong đó chỉ có khoảng gần 54% hộ nông dân đã tham gia HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, làng nghề còn lại trên 46% số hộ là tự sản xuất, tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau.
Thực tế, dù tham gia vào HTX hoặc các tổ hợp tác, chỉ một số ít hộ được bao tiêu sản phẩm còn phần đông các hộ vẫn phải tự tìm cách tiêu thụ. Chè búp khô mang bán tại các chợ phiên bị ép giá vẫn xảy ra nhiều.
Thái Nguyên cũng từng là địa phương có sản lượng chè xuất khẩu lớn, nhưng vài năm gầy đây đã giảm đáng kể. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2023 toàn tỉnh xuất khẩu chè các loại đạt 1,5 triệu USD và trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 0,2 triệu USD, giảm 64% so với cùng kỳ. Theo bà Nguyễn Thị Ngà, hiện nay, chè Thái Nguyên xuất khẩu đang có hai dòng sản phẩm. Một là xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô với giá thành rất thấp, khoảng từ 1,5 - 2 USD/kg, hai là một số doanh nghiệp đã vươn tới các thị trường khó tính, xuất khẩu các sản phẩm trà cao cấp với giá trên 10 USD/kg, thậm chí lên tới 100 USD/kg, nhưng cũng chỉ khoảng vài trăm tấn.
Cũng theo bà Ngà, tiềm năng chè Thái Nguyên phục vụ cho xuất khẩu rất lớn, vì nhiều địa phương có các vùng chè tập trung chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh cũng đã có rất nhiều chính sách phát triển cây chè, từ đầu vào đến xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu… Nhưng yêu cầu quan trọng nhất của thị trường quốc tế hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng để họ quản lý, giám sát từ xa sản phẩm… thì nhiều vùng chè lại chưa có. Ngoài ra, về mặt chế biến sản phẩm, đa phần chè Thái Nguyên đang được sản xuất với quy mô nông hộ, thiếu liên kết với doanh nghiệp, ngành chức năng lại chưa có quy chuẩn về các thông số kỹ thuật, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... từ đó tạo ra chất lượng chè không đồng đều, sản phẩm cung ứng cho thị trường quốc tế không đáp ứng cả số lượng và chất lượng. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, chè Thái Nguyên sẽ có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường quốc tế, từ đó phát triển bền vững, nâng cao giá trị và thu nhập.
thainguyen.gov.vn