Truy cập nội dung luôn

Sau chén trà thơm

Phải khẳng định nghề làm chè rất vất vả, không đơn thuần là trồng hái, rồi sao sấy để cho ra những ấm chè thơm ngát. Công việc này vừa đòi hỏi người nông dân “một nắng hai sương” trên vườn bãi, vừa đòi hỏi sự thăng hoa với củi lửa, nhiệt độ… trong khâu chế biến. Trên hành trình từ vườn chè đến bàn trà, còn trải qua rất nhiều công đoạn ít người biết.

 

Thu hái chè tại xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ

Một trong những hình ảnh đẹp nhất về vùng chè thường thấy, cũng được các nghệ sĩ nhiếp ảnh khai thác rất nhiều là hoạt động hái chè của người dân. Dưới ánh nắng ban mai, những luống chè xanh mướt nối nhau uốn lượn như những lớp sóng ngọc, khuôn mặt người lao động rạng ngời… Quay trở lại đồi chè ấy vào hôm sau hay hôm sau nữa đều có bóng người, dù nắng hay mưa vẫn không ngơi nghỉ. Quá nhiều công việc cần bàn tay con người, nào là bón phân, nào làm cỏ, nào chăm tưới.

Còn có cả công đoạn đốn, cúp chè. Chè Thái phần lớn là hái bằng tay và hái búp non, vì thế sau khi hái, luống chè sẽ khá “lôm côm, luộm thuộm” ngọn cao ngọn thấp. Cúp chè (hay đốn chè) nhằm làm cho bằng tán, giúp những búp lứa sau phát triển đều nhau, không bị lô nhô, mấp mô… tạo điều kiện dễ dàng hơn cho thu hái.

Đốn chè cũng rất nhiều kiểu. “Đốn tạo hình” dành cho cây chè đang ở “lứa tuổi nhi đồng”, khi thân cây chè đạt đường kính gần 01 cm. “Đốn phớt” hàng năm đối với cả chè mới trồng và chè trưởng thành. “Đốn lửng” những đồi chè đã vào tuổi trung niên nhằm “chống lão hóa”. “Đốn đau” để phục hồi vườn chè bắt đầu uể oải thiếu sức sống và “đốn trẻ lại” để thanh xuân hóa vườn chè già cỗi. Trước đây, do điều kiện sản xuất, các vùng chè Thái Nguyên thường thu hái lứa cuối vào mùa thu, sau đó chè được “đốn đau” để “ngủ đông”, dưỡng sức cho lứa chè xuân đầu tiên bật mầm ngay khi bắt đầu lất phất những làn mưa bụi ấm áp. Nay, người làm chè chọn thời điểm đốn chè phù hợp để làm cả lứa chè Tết giá bán rất cao. Nhưng, kinh nghiệm đốn chè thường là từ tháng 12 đến hết tháng Giêng năm sau, sau những đợt sương muối nặng. Lộ trình đốn cũng theo thứ tự ưu tiên: Đốn đau trước, đốn phớt sau, đốn tạo hình chè con trước, đốn chè trưởng thành sau.

Ông Đàm Văn Hùng - hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và cũng là một trong những người đầu tiên của thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ) tham gia mô hình “Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoạn 2017 - 2019 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện cho biết: Với diện tích gần 9.000 m² chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của gia đình, nhiều công đoạn phải thực hiện thủ công đòi hỏi nhiều lao động. Như việc dọn cỏ, phải dùng tay chứ không được dùng thuốc, công việc này phụ nữ có thể làm được. Riêng việc đốn phát chè phải dùng máy, đàn ông có sức khỏe tốt mới làm được.

Do được đốn hàng năm nên cây chè hầu như giữ nguyên chiều cao trong rất nhiều năm, tạo thành đồi bát úp thoai thoải đặc trưng của Thái Nguyên. Để phân biệt vườn chè nhiều tuổi, người ta thường nhìn thân gốc và độ rộng của tán.

Cùng với đốn chè, tưới chè cũng được coi là công việc nặng nhọc, chủ yếu do đàn ông gánh vác. Không như nhiều người nghĩ, hệ thống tưới tự động dù đã giải phóng sức lao động rất nhiều nhưng việc tưới chè rất vất vả chứ không hề nhàn nhã.

Chăm sóc chè tại xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên

Ông Trần Văn Thái, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Tưới nước thì cây thích nhưng người lại khổ, khổ vô cùng, mùa nào cũng khổ! Tôi ví dụ mùa hè, nghĩ là nóng động vào nước thì sướng! Ừ thì cây sướng, nhưng người tưới không cẩn thận còn cảm lăn đùng ra giữa ruộng giữa vườn như chơi, dù có tưới vào buổi sáng sớm hay chiều tà thì cái nóng của mùa hè vẫn cứ là oi ả, khó chịu! Đi tưới nước mà mồ hôi ướt hơn cả nước tưới ấy chứ! Hoặc là vào mùa đông, đương nhiên sợ tưới nước, lạnh cắt da cắt thịt, nhưng mùa khô không tưới không bón thì đúng là “mút chỉ” mới được thu hoạch, thành thử ai đi tưới nước cho chè về môi đều thâm xì, tay chân nhăn nhúm, dù đã mặc ấm với bộ quần áo mưa chống ướt! Vào tiết trời mát mẻ như mùa thu người tưới cũng phải mặc quần áo mưa kín mít bởi dầm nước vài ba tiếng đồng hồ liên tục thì có mà chết rét. Hệ thống tưới tự động chỉ giảm bớt phần nào sức lao động của con người, còn kiểm soát độ ẩm, độ thẫm, độ ướt đều tới đâu vẫn phải nhờ bàn tay con người.

Tưới thì thường đi kèm với bón, bón lót thế nào, bón lá ra sao, bón kiến thiết cơ bản, bón cho chè kinh doanh… cũng là cả một quy trình khá rối rắm. Song, chè đặc sản của Thái Nguyên còn vượt xa quy trình ấy. Nhiều năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều mô hình làm chè sạch, chè hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được làm ra từ các loại cây quả có sẵn trong vườn nhà như: Tỏi, ớt, gừng, xoan; phân bón làm từ đậu tương, trứng gà, mật ong, hoa quả…

Cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, là tình cảm và sự gắn bó đặc biệt của người Thái Nguyên dành cho cây chè. Chính vì vậy, cây chè trên mảnh đất này không chỉ nhanh chóng tăng về diện tích, trở thành vùng chè lớn nhất nước, mà chất lượng chè ngày càng tốt hơn, sạch hơn. Và hương thơm của ấm chè Thái mở đầu một ngày mới đã trở thành thói quen không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt.

CTV Hương Ly
thainguyen.gov.vn