Truy cập nội dung luôn

Sản xuất, giao thương chè trong thời đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp. Thái Nguyên không nằm ngoài sự tác động đó, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm chè.

Công nhân Công ty Cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình làm chè sen (hình ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Là doanh nghiệp có sản lượng kinh doanh chè lớn trong tỉnh, Công ty Cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 khi sản lượng tiêu thụ bị sụt giảm nhiều so với cùng kỳ nhiều năm. Trong hoàn cảnh đó, Công ty vẫn phải chi trả lương cho hơn 30 cán bộ, công nhân viên thường xuyên và những người lao động theo mùa vụ; thu mua sản phẩm cho các hộ nông dân.

Bà Đỗ Thị Đức Lý, Giám đốc Công  ty Cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình cho biết: Hiện nay, hệ thống siêu thị Big C đã ngừng nhập hàng của Công ty, tình hình xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn do vướng thủ tục về thuế quan. Công ty có nhiều mối hàng nhưng đều giảm do tháng 5 bắt đầu vào vụ chè  và vào mùa nắng nóng nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, thay đổi các loại thức uống khác nhau; đồng thời dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu chè cũng gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Công ty vẫn duy trì lựa chọn đầu vào đảm bảo chất lượng để tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, làm chè ướp hoa sen, ướp hoa nhài… để chờ khi dịch qua đi, thị trường ổn định hơn sẽ cung cấp kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu. Ngoài ra, Công ty cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội và website để duy trì việc làm cho công nhân trong mùa đại dịch.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu thăm khu trưng bày của HTX chè Hương Vân trong khuôn khổ Chương trình Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XII, diễn ra tại Thái Nguyên tháng 4/2021

Có mặt tại phòng thưởng trà và trưng bày sản phẩm của HTX chè Hương Vân, (tổ 15, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên,) chị Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc HTX cho chúng tôi biết: Phòng thưởng trà mới đi vào hoạt động hơn một năm, luôn thu hút lượng khách không nhỏ; khá nhiều khách đến Thái Nguyên công tác ghé qua để thưởng thức đặc sản xứ Trà. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, nên số khách và lượng hàng bán được đều sụt giảm nhiều. Bằng tình yêu với cây chè và các sản phẩm trà, chị Vân không để cho những khó khăn đó làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và giới thiệu văn hóa trà của HTX. Chị cùng với các hội viên của mình tiếp tục chăm sóc những luống chè xanh mát đạt chuẩn VietGAP, tận dụng khoảng thời gian này để xây dựng không gian thưởng trà mới với diện tích lớn gấp hai lần không gian cũ; tìm tòi để cho ra những sản phẩm mới như: Trà hoa, trà ướp 

hương sen, hương nhài; chuẩn bị các  điều  kiện  để cho ra mắt các sản phẩm OCOP 4 sao… Chị Vân hy vọng khi dịch qua đi, với những chuẩn bị của HTX, các hoạt động sản xuất, kinh doanh chè của HTX trở lại bình thường, còn phòng thưởng trà sẽ đón được nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan và thưởng thức trà.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên thông tin: Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vừa qua Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày chè thế giới (21/5) và được sự hưởng ứng nhiệt tình bằng nhiều hình thức phù hợp. Các hội viên của Hội Chè đều ý thức được sự khó khăn chung nên chủ động lên kế hoạch tìm hiểu thị trường mới, duy trì tốt chất lượng sản phẩm  để  sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hội Chè cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chi nhánh Thái Nguyên để các sản phẩm của hội viên được lưu thông nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện nay đang là thời vụ thu hoạch chè búp tươi chính trong năm. Từ đầu năm 2021 tới nay, sản lượng thu hoạch chè búp tươi đạt hơn 125 nghìn tấn (tương đương với 25 nghìn tấn chè búp khô). Các hoạt động sản xuất, chế biến chè vẫn được duy trì nhưng sản lượng chè tiêu thụ có chiều hướng giảm, giá bán các sản phẩm chè búp khô tại các chợ và HTX cũng giảm nhẹ so với các tháng đầu năm, dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chè, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp, HTX chè chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trên các sàn giao dịch điện tử và các kênh tiêu thụ sản phẩm khác; phối hợp với các tổ chức kéo dài thời hạn chứng nhận để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Ngành cũng đã đề nghị các bộ, ngành liên quan tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, tập đoàn bán lẻ, nhất là trên môi trường điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các điều kiện an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản, các giải pháp lưu thông vận chuyển hàng hóa…

Với những giải pháp của  tỉnh và sự chủ động của các doanh nghiệp, HTX, tin chắc rằng đại dịch Covid-19 sẽ không làm cho ngành chè Thái Nguyên “điêu đứng” mà vẫn vững vàng vượt qua và bứt phá sau đại dịch.

 

 

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn