Sản xuất chè an toàn - Hướng đi bền vững
2024-12-11 16:53:00.0
Phú Đô là một trong những vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương. Toàn xã có 676 ha chè, sản lượng đạt 7.500 tấn mỗi năm, trong đó 293 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tại đây, có 3 hợp tác xã, 9 làng nghề hoạt động sản xuất và chế biến chè, đem lại thu nhập bình quân từ 100 - 120 triệu đồng/người/năm.
Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô (Phú Lương) khẳng định sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thực hiên đúng quy trình trong sản xuất, chế biến chè an toàn
Trong những năm qua, địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã (HTX) áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn như VietGAP, hướng tới chè hữu cơ. Những biện pháp này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng, bảo vệ sức khỏe cho người trồng và chế biến chè.
Để hỗ trợ người dân, xã đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai nhiều chương trình, như hỗ trợ phân bón vi sinh Quế Lâm, cấp máy vò chè, tôn quay chè cho các tổ sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trao đổi về nội dung này, ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về vai trò của an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất. Xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật của huyện và Chi Cục nông lâm sản, thủy sản tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật sao sấy, chế biến chè an toàn; tổ chức kiểm tra định kỳ tại các thôn xóm và từng hộ dân để nâng cao ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh và chất lượng sản phẩm.
Đồi chè của gia đình ông Lê Hồng Phong, xã Phú Đô đã thực hiện chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách
Những biện pháp tích cực này đã góp phần thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất của người trồng chè. Ông Lê Hồng Phong, xóm Phú Nam 3, xã Phú Đô chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gần 7.000 m² chè với các giống trung du và Kim Tuyên, thu hoạch khoảng 8 tấn chè tươi mỗi năm. Nhờ tham gia các lớp tập huấn và được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, chúng tôi đã thay đổi quy trình từ khâu chăm sóc đến chế biến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, chè của chúng tôi sản xuất ra đáp ứng yêu cầu của nhiều khách hàng, giá bán bình quân từ 200 nghìn đến 250 nghìn đồng/kg. Đối với sản phẩm trà tôm nõn đặc biệt trên 1 triệu đồng/kg. Giá bán hiện giờ tăng hơn nhiều so với thời điểm chúng tôi chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chế biến chè sạch. Mỗi năm gia đình chúng tôi thu nhập từ trồng chè khoảng 150 đến 200 triệu đồng, tăng đáng kể so với trước.
Thực hiện đúng quy trình trồng và chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGap, HTX Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ Saemaul Phú Nam đã nâng cao được giá trị sản phẩm
Còn đối với HTX Nông nghiệp - Thương mại Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1, để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, HTX đã lựa chọn các giống chè chất lượng cao, chăm sóc và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đồng thời ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ. Từ quá trình trồng, thu hái đến chế biến, HTX luôn chú trọng các tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt mức tối đa.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, các sản phẩm trước đây được bán tự do thường có giá thấp, nhưng khi tuân thủ quy trình sản xuất và chế biến an toàn, giá bán đã tăng đáng kể. “Chúng tôi cũng tổ chức tập huấn thường xuyên cho thành viên HTX và các hộ liên kết để đảm bảo tất cả đều nắm vững kỹ thuật sản xuất an toàn. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng diện tích trồng chè và tăng cường liên kết với các hộ dân”, bà Hòa chia sẻ.
Sản xuất chè an toàn không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu chè Phú Đô. Điều này không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho bà con mà còn mở ra cơ hội đưa trà vươn xa hơn trên thị trường cả nước. Ông Đỗ Thanh Hiếu, thành viên HTX Nông nghiệp - Thương mại Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 cho biết thêm: Để xây dựng thương hiệu, các hộ thành viên HTX và bà con trong vùng tích cực sử dụng phân hữu cơ, phân xanh, sử dụng thuốc thảo mộc sinh học bảo vệ cây chè. Chính vì thế, cây chè có tuổi thọ cao hơn; năng suất, chất lượng chè được nâng cao; đồng thời sức khỏe người trồng chè và người tiêu dùng được bảo đảm.
Hiện nay, huyện Phú Lương đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất chè an toàn, từ việc xây dựng mã vùng trồng, tổ chức tập huấn, đến việc kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử và hội chợ. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích các HTX và hộ trồng chè tham gia các chương trình quảng bá thương hiệu, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và phát triển các sản phẩm chè đặc trưng để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong tương lai, sản xuất chè an toàn sẽ tiếp tục là hướng đi chiến lược giúp cây chè Phú Đô nói riêng và huyện Phú Lương nói chung khẳng định vị thế trong ngành Nông nghiệp địa phương, mang lại lợi ích lâu dài cho cả người trồng chè và người tiêu dùng. Những nỗ lực không ngừng nghỉ từ chính quyền, các HTX và bà con nông dân hứa hẹn sẽ đưa thương hiệu chè Phú Lương phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa.
Thanh Thủy
thainguyen.gov.vn
thainguyen.gov.vn