Truy cập nội dung luôn

Rộn ràng vụ chè xuân

Chè xuân là vụ khởi đầu cho một năm, nên được những người trồng chè rất coi trọng. Những ngày này, bà con tại các địa phương trong tỉnh đang tích cực chăm sóc hơn 22 nghìn ha chè với kỳ vọng một năm bội thu với năng suất, chất lượng sản phẩm trà tốt nhất.

Cây chè được người dân chăm sóc cẩn thận, đảm bảo chất lượng cho vụ chè cả năm

Đến thăm vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) vào những ngày đầu tháng 2, chúng tôi được hòa mình vào không gian xanh mướt của những đồi chè và cảm nhận không khí lao động sôi nổi, hăng say. Theo người dân ở đây, chè xuân là những búp chè non mọc lên sau khi cây chè đốn để lại gốc khoảng 30-40cm tùy loại. Đây là vụ chè đầu tiên trong năm, mầm được mưa xuân tưới tốt nên còn được gọi là chè lộc. Hái chè xuân chính là đi hái lộc. Tay thoăn thoắt hái chè, chị Nguyễn Thị Phúc, thành viên Hợp tác xã (HTX) chè Tân Cương - Phúc Linh chia sẻ: Vụ xuân năm nay khác biệt nhiều so với các năm. Thời tiết rét đậm nên chồi mầm chậm, sản lượng cũng giảm hơn. Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp ủ gốc giữ ấm cho cây và bón phân, tưới nước theo hướng dẫn. Hiện nay, HTX có trên 15 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu đạt 100 tấn/năm. Sản lượng chè vụ xuân dù chỉ đạt khoảng 50-60% so với chính vụ, nhưng hương vị riêng có, điều này giúp giá chè tăng cao đáng kể, từ 20-30%.

Trước đây, người dân thường quan niệm hái chè đúng kỹ thuật là phải “một tôm hai lá”. Nhưng hiện nay, người làm chè vùng Tân Cương nói riêng và toàn  tỉnh Thái Nguyên nói chung không còn duy trì cách thu hái truyền thống này. Đa phần sản xuất chè theo nhu cầu thị trường hoặc đơn đặt hàng của người mua. Khách hàng thích chè đinh hay chè tôm nõn, chè móc câu… thì sẽ thu hái nguyên liệu đáp ứng đúng tiêu chí của người mua. Và quy trình chế biến, cung ứng chè vụ xuân cũng nằm trong “quy luật” chung này.

Với nhiều năm gắn bó với nghề trồng và chế biến chè, mặc dù thời tiết vụ xuân không thuận lợi, nhưng HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên) vẫn đảm bảo năng suất nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết: Hiện nay, HTX đang sản xuất theo 2 phương thức truyền thống và công nghệ cao. Chúng tôi cố gắng ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thành viên và người dân cắt lứa chè đúng thời điểm để có thể thu hoạch đúng vụ xuân và cho sản phẩm chất lượng nhất; đáp ứng nhu cầu của khách hàng có thể thưởng thức những ấm trà hảo hạng, cảm nhận được hương vị tinh túy của trà xuân vùng Tân Cương.

Vị chè xuân có sự “giao thoa” giữa chè vụ đông và vụ hè, không quá đậm cũng không nhạt khiến cho những người thưởng trà vương vấn mãi hương vị chè xuân. Không chỉ vậy, người làm chè Thái Nguyên còn rất hài lòng khi chè vụ xuân cho màu nước trong xanh, sóng sánh bắt mắt hơn chè vụ đông.

Người dân xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên thu hái chè vụ xuân

Nghệ nhân trà Mông Đông Vũ đã có quá nửa đời người gắn bó với trà, ông nghiên cứu, tìm tòi, thưởng thức trà ở các vùng trên cả nước, đặc biệt là trà Thái Nguyên. Ông luôn dành niềm đam mê và gần như toàn bộ thời gian để tìm ra những đặc điểm đặc biệt mà chỉ có ở trà Thái Nguyên vào vụ xuân mới có. Nghệ nhân Mông Đông Vũ cho biết: Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, chè Thái Nguyên có hương thơm đặc trưng và vị trà mỗi vụ lại có sự khác nhau. Có thể khẳng định, chè xuân hội tụ đầy đủ sắc, khí, hương vị. Vị ngon của trà cũng biểu hiện rõ nhất ở chè xuân. Chè xuân rắn rỏi như khí tiết cùa người quân tử; những búp chè, cánh chè xanh non nhất, hương vị trội hơn cả; vị trà xuân thoảng dịu, êm nhẹ hơn những mùa khác. Khi thưởng trà làm cho sức khỏe con người trở nên hào sảng, tâm hồn phóng khoáng hơn; khơi dậy và cho thấy cái tình cùa chè với cuộc sống con người.

Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung mở rộng diện tích, trồng mới và thay thế bằng các giống có năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh sản xuất chè an toàn áp dụng tiêu chuẩn ViepGAP, hữu cơ; hình thành vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến. Tính đến hết năm 2022, tổng diện tích chè toàn tỉnh là trên 22 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm đạt 20,9 nghìn ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 260 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm chè sau chế biến ước đạt trên 10,4 nghìn tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trồng chè trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2023, tỉnh có kế hoạch trồng mới, trồng lại 415 ha chè; phấn đấu nâng tổng diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ đạt 4.500 ha trở lên. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con chuyển dần sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ, an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Với tinh thần hăng hái thi đua sản xuất, nỗ lực cố gắng ngay từ đầu năm của các cơ sở, HTX và doanh nghiệp làm chè sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu đưa sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh trong năm 2023 đạt 262 nghìn tấn.

 

Trần Huyền
thainguyen.gov.vn