Truy cập nội dung luôn

Người gắn bó với chè trung du lá nhỏ

Gia đình ông Mai Viết Ái, ở xóm Gò Pháo, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), là một trong những hộ nông dân có diện tích chè trung du lá nhỏ nhiều nhất tỉnh. Nhiều người khuyên ông nên bỏ chè cũ để trồng giống mới có năng suất cao, nhưng ông từ chối, giữ nguyên toàn bộ diện tích và tiếp tục gắn bó với giống chè này.

Ông Mai Viết Ái tự hào về sản phẩm chè của gia đình được nhiều khách hàng lựa chọn

Ông Ái chia sẻ: So với chè cành, chè trung du lá nhỏ tuy năng suất thấp, nhưng có tuổi thọ và được nước, người sành chè cũng ưu tiên lựa chọn hơn. Đặc biệt, giống chè này đã gắn bó, làm thay đổi đời sống của gia đình tôi, đó là lý do tôi chung thủy với nó.

Ngồi thưởng trà và đàm chuyện làm ăn, chúng tôi hiểu thêm phần nào về đời người và đời chè. Năm 1986 ông Ái lập gia đình, vốn liếng làm ăn là đôi bàn tay cùng đức tính cần cù. Bấy giờ vùng Tân Cương nở rộ phong trào trồng chè, vợ chồng ông cũng làm theo. Bắt đầu là cải tạo lại toàn bộ khu đất đồi bãi của cha mẹ cho và trồng dần mỗi năm một ít. Mất gần 10 năm vợ chồng ông mới trồng kín khu đất trước và sau nhà.

Ông cho biết: Gần 14 sào chè tất cả, 100% là cây chè giống trung du lá nhỏ… Ông dừng lời nhìn vườn chè sau nhà vừa vào độ thu hái, bảo: Hồi bấy giờ, tôi cũng không nghĩ mình trồng loại chè này là để bảo tồn, gìn giữ như bây giờ. Vì thời điểm đó giống chè trung du lá nhỏ được trồng phổ biến, chưa có sự lựa chọn nào khác.

Điều khiến nhiều nông dân trong vùng nể trọng là ngoài chăm lo cho nương chè của gia đình, ông Ái còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và chế biến chè chất lượng cao. Cũng từ nhiều năm nay, nương chè của gia đình ông trở thành mô hình chè đẹp, chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao nên được bà con các vùng chè trong tỉnh đến tham quan, học tập.

Ông nói: Cây trồng nào cũng cần có chất đất tốt. Chất đất màu mỡ, tơi xốp sẽ giúp cho cây đạt tuổi thọ lâu dài. Tôi luôn cải tạo đất bằng cách sử dụng phân chuồng hoại mục và phân xanh. Nhờ đó cây chè không những cho năng suất cao, mà còn bảo đảm hương thơm và vị đượm.

Nhiều nông dân đến tham quan mô hình chè của nhà ông Ái, khi trở về đã thay đổi cách làm, như không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Các lạch chè được cuốc hố, bỏ thêm phân chuồng, phân xanh, đồng thời đầu tư làm giàn tưới bảo đảm quanh năm cây chè có đủ độ ẩm, phân bón để phát triển khỏe mạnh, cho thu hái 7 lứa chính vụ và 2 lứa chè vụ đông.

Gia đình ông Mai Viết Ái thường xuyên thuê thêm lao động để thu hái chè cho kịp thời vụ

Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm khu nhà xưởng sản xuất, chế biến chè, ông Ái tự hào giới thiệu về giàn máy vò, máy sấy của gia đình đều được đặt làm bằng chất liệu inox, bền, sạch lại có tuổi thọ cao. Trong khu nhà xưởng chế biến còn có máy đóng gói hút chân không, tủ trưng bày sản phẩm và một kho lạnh bảo quản sản phẩm.

Ông chia sẻ: Để làm ra sản phẩm chè bảo đảm chất lượng, lúc hái không được nén chặt, khi mang về tãi mỏng ra sàn nhà, hôm tiết trời nóng lực phải có quạt thông gió cho búp không bị táp lá. Vừa phải bảo quản tốt chè tươi và chế biến ngay trong ngày.

Bãi chè trước nhà và sau nhà đều được trồng từ nhiều năm nay, tán khép kín dõng luống nên không có cỏ dại. Do được đầu tư hệ thống giàn tưới tự động; phân bón sử dụng theo định lượng vừa phải nên cây phát triển tốt, cho năng suất ổn định 90kg chè búp tươi/sào.

Qua trò chuyện chúng tôi còn được biết: Ngoài 7 lứa thu hái chính vụ, gia đình ông có thêm 2 lứa chè vụ đông, sản lượng chè búp tươi cả năm đạt 11 tấn tươi, tương đương với 2,2 tấn chè búp khô. Ngoài chế biến của gia đình, ông còn trực tiếp thu mua thêm chè tươi của bà con trong vùng, khoảng 15 tấn mỗi năm. Tổng cộng sản lượng chè búp khô của gia đình ông xuất bán ra thị trường hơn 5 tấn/năm; chủ yếu các dòng sản phẩm chè tôm nõn, chè đinh và chè đặc sản. Trừ các khoản chi phí, thu nhập từ chè của gia đình ông đạt gần 1 tỷ đồng/năm.

So với giống chè lai mới, giống chè trung du lá nhỏ cho năng suất thấp hơn khoảng 250kg/ha/lứa hái, sao ông không chuyển đất sang cho chè lai ngoại - tôi hỏi. Ông trả lời ngay: - Có rất nhiều hộ chạy theo năng suất, nhưng tôi khác. Vì chè của gia đình tôi có tên trong chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương. Tôi giữ giống chè trung du lá nhỏ vì được nước, đượm vị, hương trà thanh thoát, uống có vị ngọt hậu. Hơn nữa, chính giống chè trung du lá nhỏ làm nên thương hiệu chè Tân Cương từ hàng trăm năm nay. Và hiện vẫn là chè trung du lá nhỏ đang tỏa hương đến nhiều miền đất nước.

 


baothainguyen.vn