Truy cập nội dung luôn

Nâng hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản xuất chè

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, huyện Đại Từ đã và đang tập trung hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất, chế biến chè.

Thành viên Hợp tác xã chè Tân Tiến, xã Minh Tiến (Đại Từ), lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho đồi chè

Để đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến chè, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nhân dân phát triển cây chè, như: Hỗ trợ 100% giá giống để trồng mới, trồng thay thế chè giống cũ, nâng diện tích chè giống mới của huyện lên 5.300 (chiếm 80,3% tổng diện tích); hỗ trợ thiết bị sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi…

Ông Nguyễn Văn Pháp, Giám đốc HTX chè Tân Tiến, xã Minh Tiến cho biết: Được thành lập năm 2020, cùng với việc chăm sóc trên 20ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX luôn chú trọng đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại như: Máy vò chè chậm tạo cánh chè đẹp, máy sao chè bằng ga, máy hút chân không, hệ thống tưới tiết kiệm nước… nhằm giảm nhân công, tiết kiệm thời gian trong sản xuất, chế biến chè, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.

Không chỉ các HTX, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đại Từ cũng chủ động ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bà Kiều Thuý Nga, chủ cơ sở sản xuất chè Nga Tiếp, ở xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên, thông tin: Với hơn 2.000m2 chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 1.000m2 chè hữu cơ, bên cạnh sử dụng phân hữu cơ theo hướng dẫn, gia đình tôi đã đầu tư 1 máy sao chè bằng điện, 1 máy hút chân không cùng nhiều máy vò chè để quy trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cơ sở sản xuất chè Nga Tiếp, ở xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên (Đại Từ), đã đầu tư nhiều thiết bị phục vụ chế biến chè

Đại Từ hiện có khoảng 6.600ha chè, 3 năm trở lại đây, từ các nguồn vốn (ngân sách tỉnh, huyện; vốn dự án phát triển sản xuất Chương trình 135; các chương trình, dự án phi chính phủ và các nguồn vốn huy động khác...), huyện đã triển khai các chương trình hỗ trợ thiết bị phục vụ chế biến chè như: hỗ trợ 1.236 tôn sao chè có động cơ, 30 máy sao chè bằng gas, 15 máy sao chè bằng điện, 1.053 máy vò chè, 19 máy hút chân không, kho lạnh bảo quản chè… với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng.

Với việc tích cực ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến chè của người dân trên địa bàn, đến nay, Đại Từ đã xây dựng được 18 mã số vùng trồng chè, với sự tham gia của 370 hộ dân, diện tích trên 100ha, tập trung ở các xã như: Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên, Phú Lạc, Phú Cường...; trên 1.800ha chè kinh doanh được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 1.500ha chè được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm...

Năm 2023, huyện đã có 3 HTX được hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gồm: Tuất Thoi, Hoàng Nông và Nhật Thức, nâng tổng số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chè trên địa bàn lên 11 chuỗi; năng suất chè đạt 129 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 80.000 tấn; giá trị trên 1ha đất trồng chè đạt trên 400 triệu đồng/năm. Cùng với đó, địa phương đã có 22 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm OCOP (trong đó 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, còn lại đạt OCOP 3 sao).

Thời gian tới, huyện Đại Từ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đưa giống chè mới vào trồng thay thế giống chè có năng suất, chất lượng thấp; áp dụng đồng bộ KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục phân bổ kinh phí hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác thiết bị, máy móc trong sản xuất, chế biến biến chè...


baothainguyen.vn