Truy cập nội dung luôn

Mã số vùng trồng - “Tấm hộ chiếu” của trà Thái

Thực hành nông nghiệp sạch, an toàn là yêu cầu bắt buộc để nông sản cạnh tranh trên thị trường, ngành chè cũng không nằm ngoài yêu cầu tất yếu này. Những chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, UTZ được áp dụng rộng rãi, cùng với nỗ lực của người dân làm chè đã mang tới thị trường sản phẩm trà sạch. Bên cạnh quy trình sản xuất sạch, Chứng nhận mã số vùng trồng vừa được cấp tới các hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh trà trên địa bàn toàn tỉnh được xem như là “tấm hộ chiếu” bảo hộ ngành chè hướng tới thị trường xuất khẩu.

Chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái trên nương chè vừa được cấp Chứng nhận mã số vùng trồng (Ảnh: Mạnh Thắng)

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có trên 22.300 ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước với năng suất chè búp tươi đạt trên 118 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 240.000 tấn/năm. Cây chè trở thành cây kinh tế chủ lực, đem lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha bình quân khoảng 300 - 500 triệu đồng/ha, tại các vùng chè đặc sản có thể đạt từ 500 - 800 triệu đồng/ha. Sản phẩm chè Thái Nguyên đã được khẳng định trên thị trường trong nước, có triển vọng mở rộng ra thị trường thế giới.

Chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái đưa chúng tôi tham quan vườn trà trung du hàng chục năm tuổi, với những gốc trà đã mọc rêu phong như ghi dấu quá trình làm lên danh tiếng của vùng trà Tân Cương. Đây cũng là một phần trong số diện tích 5 ha của HTX Tâm Trà Thái vừa được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp Chứng nhận mã số vùng trồng. Hàng chục năm gắn bó với ngành chè, rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu Tâm Trà Thái do chị Tân sáng lập đã đến với khách hàng ở mọi miền của Tổ quốc, thế nhưng chị Tân vẫn đau đáu mong muốn được xuất khẩu sản phẩm trà của HTX ra thị trường quốc tế. Chia sẻ về niềm vui khi được cấp Chứng nhận mã số vùng trồng, chị Tân nói: Chúng tôi vô cùng vui mừng vì sau 1 năm với nhiều lần thử nghiệm mẫu và nỗ lực kiểm soát khắt khe từ quy trình chăm sóc, chế biến, chúng tôi đã được cấp Chứng nhận mã số vùng trồng. Chúng tôi cùng các thành viên HTX và bà con nông dân phải kịp thời nắm bắt tình hình sinh vật gây hại, các biện pháp phòng trừ và không vi phạm các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu. Cũng bởi sự khắt khe trên mà sản xuất có gắn với mã số vùng trồng sẽ giúp người dân làm ăn bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn trên chính diện tích canh tác chè của họ. Người dân sẽ phải chủ động đảm bảo chất lượng và các tiêu chí nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu, cũng như cung ứng cho tiêu dùng trong nước.

“Mã số vùng trồng là “giấy thông hành” để chúng tôi có cơ hội xuất khẩu sản phẩm trà” - Chị Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc HTX Hương Vân Trà chia sẻ (Ảnh: Mạnh Thắng)

Tìm hiểu về lợi ích của mã số vùng trồng với người trực tiếp sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm trà, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc HTX Hương Vân Trà tại không gian thưởng trà của HTX, nằm trên đường Việt Bắc, TP. Thái Nguyên. Chị Vân và các thành viên HTX đang tất bật chuẩn bị những sản phẩm trà đặc sản để gửi tới khách gần xa. Gặp chúng tôi, chị Vân nhẹ nhàng rót chén trà sánh vàng và chia sẻ niềm vui về Chứng nhận mã số vùng trồng mà HTX vừa được công nhận. Chị nói: Qua nhiều năm làm chè, ngoài thị trường trong nước, chúng tôi cũng nỗ lực tìm kiếm các khách hàng quốc tế, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng đã có khách hàng ở những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Anh, Séc… Thế nhưng, chủ yếu sản phẩm trà được khách hàng “xách tay” làm quà biếu, tặng. Chúng tôi rất hy vọng, với Chứng nhận mã số vùng trồng, ngành chè Thái Nguyên sẽ có cơ hội chinh phục và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế.

Việc cấp mã số vùng trồng đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Chỉ có nông sản được sản xuất từ vùng trồng được công nhận mới được phép xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc... Mỗi mã số vùng trồng được cấp theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số đó sẽ bị thu hồi.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản phải được sản xuất theo quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật. Việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Đóng gói sản phẩm trà tại HTX Hương Vân Trà

Cùng với các vùng nông sản khác, đã có hàng chục vùng trồng chè của tỉnh được cấp Chứng nhận mã số vùng trồng. “Tấm hộ chiếu vàng” cho hành trình đưa sản phẩm trà Thái Nguyên tới thị trường quốc tế đã được trao tới tay người sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà. Việc quan trọng hơn lúc này là phải duy trì nghiêm túc những quy định và làm thế nào để phát huy giá trị của Chứng nhận mã số vùng trồng trong nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm trà thông qua thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn