Truy cập nội dung luôn

Liên kết sản xuất để nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà, đây là vấn đề được các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên quan tâm và triển khai thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, người làm chè.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về các giải pháp tăng cường, phối hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà tỉnh Thái Nguyên

Tại Hội nghị chuyên đề bàn về các giải pháp tăng cường, phối hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà tỉnh Thái Nguyên do UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam đã dành cho phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên cuộc phỏng vấn về những giải pháp để nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

P.V: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài, ông đánh giá thế nào về vai trò, vị thế của trà Thái Nguyên trong ngành chè cả nước?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài: Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế nhất của Việt Nam trong sản xuất và chế biến chè. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè phát triển cộng với kỹ thuật chăm sóc, chế biến tốt, nên chè Thái Nguyên có giá bán cao hơn hẳn so với thị trường chè trong nước. Trong khi chè xuất khẩu chỉ có giá 1,8 USD/kg thì chè Thái Nguyên bán ở thị trường trong nước có giá bán trung bình trên 10 USD/kg. Do đó, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả, Thái Nguyên nên quan tâm chuyển sang trồng chè. Tỉnh có thể phát triển diện tích trồng chè lên mức tối đa để phát huy lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm chăm sóc, chế biến của người dân. Ngoài ra, các mô hình sản xuất, chế biến chè ở Thái Nguyên đều ở mức tinh xảo. Đây cũng là điểm lợi thế không phải đâu cũng có được.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài và đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cùng các đại biểu tham quan gian hàng của HTX chè Thái Minh, huyện Đồng Hỷ

P.V: Vậy đâu là tồn tại mà ngành chè Thái Nguyên cần khắc phục thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài: Hạn chế lớn nhất của Thái Nguyên là vùng nguyên liệu hiện đang quá manh mún, mô hình sản xuất quá nhỏ lẻ dẫn tới việc quản lý chất lượng chè gặp nhiều khó khăn. Nếu cứ duy trì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay thì không những sản xuất không hiệu quả mà còn khó quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi đó yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày một cao và khắt khe hơn. Nếu xét về hiệu quả chung của toàn xã hội thì việc duy trì sản xuất nhỏ lẻ có thể sẽ cho năng suất lao động cá biệt cao nhưng năng suất lao động toàn xã hội lại thấp. Do đó việc xây dựng các mô hình hợp tác xã (HTX), liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh lớn lại khó chuyển sang sản xuất chè hữu cơ do việc sản xuất hữu cơ đòi hỏi phải có vùng đệm và có thời gian, do đó trước mắt chúng ta cần sản xuất chè an toàn, làm sao 100% sản phẩm trà của Thái Nguyên là trà an toàn.

Tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên

P.V: Để nâng cao giá trị và thương hiệu chè Thái Nguyên theo Tiến sĩ cần tập trung vào những giải pháp nào?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài: Để phát triển nhanh và bền vững ngành chè, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ. UBND tỉnh cần thành lập Ban Chỉ đạo phát triển chè bền vững. Tỉnh cần rà soát, xây dựng quy hoạch tổng thể trong đó có quy hoạch trồng và chế biến chè theo chuỗi giá trị. Trước đây, việc quy hoạch chỉ chú ý đến trồng chè nhưng nay quy hoạch đó phải chú ý đến tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật và các hoạt động phụ trợ, dịch vụ, thương mại kết hợp du lịch sinh thái vùng chè. Trên cơ sở thị trường phải chọn lựa giống chè thích hợp với công nghệ chế biến thích ứng cho ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.

Hiện nay, nhiều quy chuẩn về xây dựng cơ sở chế biến chè của Việt Nam đã cũ, không còn phù hợp với thực tế hoặc điều kiện ở Thái Nguyên, do đó dựa trên yêu cầu của thị trường, căn cứ vào tiến bộ khoa học công nghệ trong và ngoài nước, tỉnh nên xây dựng quy chuẩn cơ sở chế biến cấp địa phương để các cơ sở chế biến chè trong tỉnh điều chỉnh mô hình chế biến cho phù hợp. Điều này có thể áp dụng với cả các HTX thành lập mới và HTX hiện có để điều chỉnh từng bước cho phù hợp với quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến an toàn tiến tới sản xuất hữu cơ.

Các hộ gia đình sản xuất, chế biến chè cần liên kết thành lập HTX để ứng dụng tiến bộ khoa học, mở rộng thị trường. Trong vấn đề này, tỉnh cần thành lập tổ chức tư vấn, có các cơ quan chức năng tham gia như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX tỉnh, Hội Chè… Đồng thời, mời các chuyên gia kinh tế về chè để tư vấn thủ tục, giúp người nông dân thiết kế mô hình HTX phù hợp, xây dựng phương án kinh doanh khả thi.

Đối với việc quản lý chất lượng sản phẩm trà, Nhà nước chỉ nên tập trung quản lý các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm xem có đạt quy chuẩn hay không, còn chất lượng sản phẩm do các cơ sở sản xuất quyết định, căn cứ vào thị trường và giá cả. Tuy nhiên điều cốt lõi là sản phẩm trà phải đảm bảo an toàn, đây là yêu cầu đầu tiên, yếu tố quyết định giá trị, sự phát triển của thương hiệu trà Thái Nguyên trên thị trường.

Đồi chè của HTX chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên

Đối với việc mở rộng thị trường, ngành trà Thái Nguyên nên hướng đến những thị trường ngoài nước có Việt kiều sinh sống thông qua sứ quán, thương vụ của các nước ở khắp thế giới. Với những thị trường này, việc phát triển sản phẩm mới cần đi đôi với giữ sản phẩm trà xanh đặc sản truyền thống để định hướng thị trường. Việc xuất khẩu cũng cần bắt đầu từ những đơn hàng nhỏ lẻ, dần dần mới phát triển những đơn hàng lớn hơn. Với thị trường trong nước, ngành chè Thái Nguyên cần quan tâm tới thị trường phía Nam…

Về kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất, Thái Nguyên có thể tham khảo các mô hình ở Lâm Đồng và các mô hình ở Đài Loan, Trung Quốc vì khá phù hợp với mô hình hoạt động ở Thái Nguyên. Hiệp hội Chè Việt Nam có thể hỗ trợ Hội Chè Thái Nguyên tổ chức đánh giá nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng, chế biến chè liên kết nhau thành các tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Thu Hà (thực hiện)
thainguyen.gov.vn