Truy cập nội dung luôn

Khẳng định bản lĩnh trong phát triển kinh tế tập thể

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). Đặc biệt, các HTX do phụ nữ quản lý đều cơ bản phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, Thái Nguyên hiện có 120 HTX do phụ nữ làm quản lý, chiếm 16% tổng số HTX (cao hơn bình quân chung cả nước là 7,6%). Các HTX này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với doanh thu bình quân hàng năm đạt 2,2 tỷ đồng/HTX, giải quyết việc làm cho 3.650 thành viên và người lao động, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng… Một điều đáng chú ý là các HTX do phụ nữ quản lý đã khẳng định vai trò liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại kinh tế theo định hướng chung của tỉnh. Từ đó, đã tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, đảm bảo chất lượng.

Chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên trên đồi chè của HTX

HTX Sơn Dung trà, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) là một trong những đơn vị tiêu biểu khẳng định được thương hiệu, không ngừng nâng cao lợi thế cạnh tranh, gắn với hoạt động đối ngoại và hướng đến thị trường xuất khẩu. Xuất phát từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, HTX Sơn Dung trà thành lập năm 2018 với mong muốn giúp đỡ và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Đến nay, đơn vị có 14 thành viên chính thức và gần 50 hộ liên kết. Diện tích đất trồng chè khoảng 50 ha, tập trung tại 3 xã là Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Các sản phẩm chủ lực là trà đinh, tôm nõn, móc câu đều đạt chuẩn OCOP 4 sao. HTX vinh dự được tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên”; 2 sản phẩm được công nhận là "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh" năm 2021 và chứng nhận bộ sản phẩm trà đinh thượng hạng đạt danh hiệu "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam". Bà Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX chia sẻ: "Từ bỏ công việc là giảng viên đại học nhiều năm để toàn tâm toàn ý phát triển cây chè và sản phẩm trà, tôi thấy mình đã có quyết định đúng đắn. Để HTX ngày càng phát triển, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, bản thân tôi luôn nỗ lực tiếp thị và phát triển thị trường thông qua việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, cùng các hội thảo quốc tế và trong nước được các cơ quan quản lý của tỉnh tổ chức".

Đối với HTX sản xuất và thương mại, dịch vụ Bản Việt, xã Bảo Lý (Phú Bình), định hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tiềm năng của địa phương đã đạt được những kết quả bước đầu. Tận dụng thế mạnh của địa phương có nhiều giống lúa đặc sản như nếp Thầu dầu, gạo J02… HTX Bản Việt đã lựa chọn sản xuất và kinh doanh cơm cháy là sản phẩm chủ lực với tên thương hiệu “Cơm cháy Én Vàng”; cùng với đó là các loại bánh tươi và thức ăn chế biến sẵn. Để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, HTX áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại, sử dụng nguyên liệu sạch, an toàn; nghiên cứu và phát triển nhiều hương vị cơm cháy mới. Hiện nay, HTX tạo việc làm tại chỗ cho hơn 10 lao động, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại, dịch vụ Bản Việt chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi nhận thấy yếu tố quan trọng để phụ nữ khởi nghiệp thành công là phải nỗ lực, tự tin và bản lĩnh. Các cơ quan, ban, ngành liên quan đến HTX là cầu nối của doanh nghiệp nữ với chính quyền địa phương trong tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh; định hướng cho chị em lĩnh vực khởi nghiệp mà tỉnh có thế mạnh và phù hợp với nhu cầu thị trường".

Chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung (bên phải ảnh) thực hiện công đoạn ướp trà sen

Theo thống kê, từ năm 2021 tới nay, trên địa bàn tỉnh có 200 HTX được thành lập mới, trong đó khoảng 60 HTX nữ khởi nghiệp với nhiều sáng kiến, mô hình hay, hoạt động hiệu quả. Có 35 HTX do nữ làm chủ thực hiện chuỗi liên kết giá trị gắn với hàng hóa chủ lực, ngành nghề mũi nhọn của địa phương; 100 sản phẩm của HTX do phụ nữ quản lý được công nhận đạt từ 3 - 5 sao OCOP... Tính từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 230 lượt cá nhân là nữ lãnh đạo, thành viên của các HTX được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng. Trong đó, có 2 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 1 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên; 2 cá nhân đạt giải Nhì và giải Ấn tượng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo”; 3/5 cá nhân đạt danh hiệu “Nông dân tiêu biểu xuất sắc” hằng năm; 4/100 HTX đạt danh hiệu HTX tiêu biểu toàn quốc…

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Các HTX do phụ nữ lãnh đạo, quản lý đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, nông dân với nông dân và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế tập thể”. Với mục tiêu tiếp tục phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, trong đó có HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt Đề án “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”, trọng tâm là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, trong đó ưu tiên các mô hình do phụ nữ thực hiện; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh rà soát vận động, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, điều hành hoạt động hiệu quả phát triển thành HTX và hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; đổi mới phương thức sản xuất gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm, cải tiến phương thức quản lý, phục vụ, nâng cao thu nhập của thành viên và người lao động.

Thanh Thủy
thainguyen.gov.vn