Truy cập nội dung luôn

Hồng trà - sản phẩm mới lạ, độc đáo ở vùng chè Tân Cương

Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên lần thứ XI, năm 2021-2022, chị Tống Thị Kim Thoa, ở xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) đã đạt giải Nhì với đề tài “Quy trình chế biến sản phẩm Hồng trà Kim Thoa”. Vậy là sau gần 3 năm nghiên cứu, tìm tòi, sản phẩm Hồng trà của chị Thoa đã không chỉ được khách hàng yêu thích mà còn được công nhận bởi Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên.

Chị Tống Thị Kim Thoa pha Hồng trà mời khách tại nhà riêng

Có dịp trò chuyện với Tống Thị Kim Thoa, tôi nhận thấy chị là người có kinh nghiệm làm chè, kinh tế gia đình khấm khá cũng nhờ sản xuất, kinh doanh chè. Chị là chủ của HXT Chè Kim Thoa, với cơ ngơi khang trang ở xã Phúc Xuân. Cũng vì tình yêu với cây chè, chị đã cất công tìm hiểu, thử nghiệm nhiều lần để cho ra sản phẩm trà hoàn toàn mới, khác hẳn so với thức uống trà xanh truyền thống của vùng đất Tân Cương.

Chị Thoa chia sẻ: Phúc Xuân là một trong 3 xã nằm trong Vùng chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương Thái Nguyên nổi tiếng, với diện tích trồng chè khoảng 330ha. Từ vùng chè này, đã có rất nhiều sản phẩm trà đã đến tay người tiêu dùng khắp mọi miền trong và ngoài nước. Trong đó được biết đến nhiều là trà móc câu, trà tôm nõn, trà đinh... Tất cả đều là sản phẩm truyền thống có màu nước xanh, vị chát nhẹ. Gắn bó với nghề làm chè lâu nay, tôi nhận thấy, các sản phẩm trà của quê hương mình còn ít đa dạng về chủng loại, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, tôi quyết định tìm tòi, khám phá, thử nghiệm dòng chè mới, đó là Hồng trà.

Chè xanh được làm với phương pháp truyền thống là sao diệt men để giữ lại diệp lục, sản phẩm làm ra có vị chát, nước xanh đặc trưng như chúng ta vẫn thấy lâu nay. Nhưng với Hồng trà, quy trình lại hoàn toàn ngược lại, búp chè không được diệt men nữa mà ủ để lên men, sản phẩm sẽ giảm vị chát, có vị thơm ngọt đặc trưng, với màu hồng rất bắt mắt. Đây là quy trình sáng tạo dựa trên nguyên lý hoạt động lên men sản phẩm chè. Hồng trà được sản xuất từ quá trình lên men toàn phần, oxy hóa 100% lá và búp chè non. Việc sử dụng phương pháp sản xuất Hồng trà làm đa dạng thêm các sản phẩm chế biến từ chè. Quy trình sản xuất Hồng trà được gói gọn trong 4 bước: Thu hoạch, làm héo, vò, lên men và sấy khô. Trong đó, bước làm héo, vò và lên men chính là yếu tố tạo nên hương vị và màu sắc đặc biệt cho sản phẩm này.

Chị Tống Thị Kim Thoa nhận giải Nhì tại Lễ trao giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên lần thứ XI, năm 2021-2022

Pha ấm Hồng trà mời chúng tôi, chị Thoa cho biết: Sáng kiến của tôi lần đầu tiên được áp dụng tại xã Phúc Xuân, với những nguyên liệu, dụng cụ sản xuất sẵn có, dễ mua, dễ làm. Một điều đặc biệt hơn nữa là Hồng trà không bị nhạt đi theo thời gian mà càng để lâu sẽ càng ngon, vì khi càng có thời gian, trà sẽ được ủ lên men, tạo ra vị thơm ngon, tựa như mùi táo đỏ chín. Ngoài sử dụng theo cách thuần túy thì chè qua phương pháp lên men có thể dùng để chế biến các sản phẩm được ưa thích khác hiện nay như trà sữa, hoặc có thể kết hợp với một chút mật ong, một lát chanh hoặc quất để tăng hương vị cho cốc trà.

Có cơ hội đi đến nhiều vùng chè khác nhau ở trong và ngoài tỉnh, được chứng kiến quy trình sản xuất Hồng trà ở Mộc Châu (Sơn La), chị Thoa nhận thấy chất lượng Hồng trà của Thái Nguyên đậm đà hơn, không còn vị chát mà có hương thơm đặc trưng. Nếu không được nghe chị Thoa nói về quá trình sản xuất Hồng trà, chúng tôi lại nghĩ chị ướp hoặc tẩm chất gì đó để tạo màu hồng cho sản phẩm. Qua 3 năm mày mò, tìm hiểu và sáng tạo, chị đã cho ra được sản phẩm ưng í và bán ra thị trường. Quá trình sản xuất Hồng trà phức tạp hơn nên giá cũng đắt gấp đôi so với trà xanh cùng chất liệu

Theo đánh giá của chị Thoa sau 2 năm bán ra sản phẩm, Hồng trà phù hợp với người trẻ và những người yêu thích trà nhưng không quen vị đắng, chát của trà xanh. Rất nhiều người khi được thưởng thức chén Hồng trà đã không khỏi ngạc nhiên và thích thú, rồi sau đó là yêu luôn sản phẩm độc đáo này. Hà Nội và các thành phố lớn là thị trường tiêu dùng nhiều nhất sản phẩm của chị.

Vậy là bằng tình yêu với cây chè, cùng với tinh thần ham học hỏi, khám phá để cho ra những sản phẩm mới từ chính những nguyên liệu đã cũ, chị Kim Thoa đã tạo ra một sản phẩm độc đáo, bước đầu đã được thị trường đón nhận. Thời gian tới, chị Thoa sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra sản phẩm chất lượng hơn, sản xuất mẫu mã, bao bì sản phẩm bắt mắt hơn, góp phần quảng bá vùng đất đệ nhất danh trà nổi tiếng.

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn