Truy cập nội dung luôn

Chuyện một lão nông ham học

Mỗi khi cần trà ngon uống hoặc biếu tặng, tôi lại bấm máy gọi ông. Thoắt cái, đã thấy ông xuất hiện, đưa hàng rồi đi ngay, trên tay là chiếc điện thoại liên tục đổ chuông. Nhìn ông chạy cái xe máy tàng, áo quần cũ kỹ, ít ai nghĩ người đàn ông 73 tuổi này lại là người chăm học và luôn áp dụng kiến thức mới để làm nghề mẹ cha để lại.

Đồi chè nhà ông Mai Viết Khánh

Lau vội đôi tay to bè ướt sương sớm, ông bắt tay tôi, cười hiền hậu: "Tôi dậy từ 5 giờ sáng, lọ mọ ở ngoài đồi chè. Nhiều khi cũng là thói quen chả bỏ được". Ông bắt đầu câu chuyện với tôi như thế.

Nơi chúng tôi đang ngồi là căn nhà mới làm, cạnh khu xưởng sản xuất của ông Mai Viết Khánh, xóm Khuôn, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên. Quanh nhà ông, vạt chè trải dài xuống thấp, lên cao, bao quanh những chiếc ao đầy nước. Dù đã bước vào rét đậm, nhưng búp chè vẫn lên tua tủa, non mỡn, bóng loáng dưới nắng sớm mai.

“Bố mẹ tôi từ Nam Định đưa gia đình lên đây từ năm 1942” - ông Khánh kể - Khi ấy nơi này chưa có người ở, rừng thiêng nước độc. Mấy gia đình người Nam Định làm những túp lều tụm vào nhau cho đỡ sợ, tối đến sập cửa đốt lửa xua thú dữ. Ngày ấy khu vực này có cây doi rất to, nên mọi người gọi là xóm Cây Doi. Gần đấy lại có một cái hang nước chảy suốt ngày đêm nên còn gọi là xóm Hang Rồng. Khoảng năm 1956, có một số người dân tộc Sán Dìu về ở, đặt tên là xóm Khuôn. Sau quá trình nhập, tách, đổi tên thành đội 1, đội 6, Khuôn 2, Khuôn 1… thì hai năm gần đây, xóm trở về cái tên ban đầu là xóm Khuôn”.

Ông Khánh trao đổi với tác giả về kỹ thuật làm chè đông

Để có cái ăn, bố mẹ ông vỡ những “dộc” đất thấp, dẫn nước cấy lúa, bạt đồi trồng sắn, trồng khoai. Khoảng năm 1947, bố ông vào đồn điền Phát Nhàn (trong khu vực), thấy những cây chè lâu năm liền đào về trồng. Lúc đầu bố mẹ ông chỉ hái lá chè già mang về quê bán, sau mới biết làm chè búp.

Sinh năm 1951, lên 2 tuổi thì mẹ mất, sống nơi heo hút, gia cảnh lại nghèo túng, ông Khánh chỉ được học hết lớp 7. Như nhiều thanh niên Thái Nguyên khác, ông tham gia dân công, vận chuyển vũ khí, làm thủy lợi. Năm 19 tuổi ông rời nhà, tự tay khai phá đồi hoang, trồng cây chè đầu tiên. Đến nay, cơ ngơi của ông là 1 ha đất, trong đó có 8 sào chè.

Tôi cùng ông Khánh đi thăm những cây chè kỷ niệm đã vào tuổi 53, giờ trở thành cây bóng mát trên vườn chè lai. Trong tán lá rợp rậm, chùm quả xanh thẫm căng mẩy như muốn được gieo tiếp vào lòng đất những cây chè “ta” khỏe mạnh.

Ông Khánh khoát tay giới thiệu cho tôi diện tích chè LDT1, hệ thống nước tưới tự động, thùng ủ đậu tương, chuối chín kết nối với ống tưới. Chỗ này ông mới trồng thêm, dự định tăng 2 sào chè nữa; chỗ kia, ông dự kiến làm đường bê tông liên kết các khu vực. Toàn bộ diện tích chè nhà ông theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông cũng là Tổ trưởng tổ VietGAP của xóm Khuôn với 13 hộ tham gia, gồm 5,74 ha chè, sản lượng khoảng 40 tấn/năm.

Ông Khánh tự hào: Trong tổ VietGAP chúng tôi “có cho không” cũng không ai dùng phân hóa học, thậm chí phân gà ủ hơn 1 năm cũng chưa “thèm” bón. Vì chúng tôi xác định muốn tồn tại phải làm tốt. Hầu hết khách hàng đều mua hàng từ xa, chuyển qua đường bưu điện, nếu không làm ăn đứng đắn họ đưa lên Facebook, Zalo chê bôi là mất miếng cơm của mình ngay.

Theo tính toán của ông Khánh, mỗi lứa chè nhà ông thu hơn 150 kg chè khô, trung bình mỗi năm 8 lứa. Riêng năm 2023 thời tiết thuận lợi ông thu 10 lứa, trong đó chè vụ đông của ông mang lại giá trị cao gấp 2 - 3 lần chè thường. Trừ 35% chi phí, mỗi năm người đàn ông ở tuổi “xưa nay hiếm” này vẫn làm ra khoảng 400 triệu đồng.

Đối với ông Khánh, làm chè vụ đông rất dễ khi kết hợp kinh nghiệm dân gian với khoa học kỹ thuật. Ngoài che sương, tưới nước đều thì một trong những “bí quyết” của ông là cho chè “uống” nước đỗ tương. Chỉ cần 900 nghìn đồng là ông mua được 50 kg đỗ tương, ngâm 10 ngày, dùng dung dịch pha với 400 lít nước. Cây chè rất thích “uống” loại nước này. Các mùa khác cũng dùng đỗ tương, đạm cá cô đặc, chuối chín, cho hỗn hợp ủ nửa tháng, lọc nước bón thay phân. So với bón phân hữu cơ thì chi phí chỉ bằng 50% mà cây chè khỏe, nước trà thơm.

Xưởng sản xuất chè của ông Mai Viết Khánh

Điều khiến tôi ấn tượng với ông Khánh không chỉ bởi ông “miệng nói tay làm” thoăn thoắt mà còn là ở cái nết chịu học. Ông mở máy điện thoại cho tôi xem những bức ảnh ông chụp lại nội dung các chương trình tập huấn gần đây. Đó là các vấn đề về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển đổi số; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chống gian lận thương mại; phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo trên mạng... Ông Khánh bảo: Tôi không bỏ lớp tập huấn nào, được Phòng Kinh tế thành phố, Hội Nông dân, Sở Khoa học và Công nghệ…. cho đi là đi luôn. Không phải cái gì học về cũng ứng dụng được ngay, nhưng mình chọn lọc, tìm hiểu, đọc thêm trên mạng, sẽ có lúc cần đến, học chẳng bao giờ thừa.

 Có lẽ vì ham học nên “lão nông” Mai Viết Khánh không chỉ kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm dân gian và khoa học kỹ thuật vào khâu sản xuất, mà ông còn thành thạo các công đoạn bán hàng online. Tạo đơn cho shipper vào tận nhà lấy hàng, dùng dịch vụ thu tiền hộ, chuyển khoản, chào hàng trên Zalo, tự mình giao dịch khắp các tỉnh, thành… là công việc không dễ với một người đã ở tuổi 73.

 Nhưng ông Khánh còn muốn làm được nhiều hơn thế. Ông bày tỏ ý tưởng muốn lập trang web giao dịch và cập nhật sản phẩm, mở rộng mạng lưới bạn hàng, mở rộng cơ sở sản xuất. Có lẽ chính vì thế mà lão nông ham học này vẫn tiếp tục học và tự nâng mình lên nhờ kiến thức.

CTV Minh Hằng
thainguyen.gov.vn