Truy cập nội dung luôn

Độc đáo chợ chè

Ở quê hương của danh xưng “đệ nhất danh trà”, những chợ chè họp cố định theo phiên dành cho người mua và bán chè luôn có sự độc đáo, lôi cuốn không thể lẫn với các loại hình chợ khác.

 

Chợ chè Thái Nguyên thực sự là một không gian văn hóa

Theo số liệu thống kê, Thái Nguyên hiện có 105 chợ truyền thống, trong đó có tới 17 chợ chè. Thông qua chợ, người làm chè có cơ hội gặp gỡ bạn hàng, nắm bắt nhu cầu thị trường. Khách hàng cũng chính là người thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm khách quan nhất.

Chợ chè chủ yếu dành cho người bán buôn, chính vì vậy chè bán tại chợ phần lớn mới chế biến thành chè búp khô, chưa lấy hương. Chè đó phải được sao lại bằng tôn quay, giần, sẩy, đánh hương. Nếu khách mua ít để làm quà, người bán sẽ giới thiệu tới một cơ sở gần chợ lấy hương, hút chân không và bao gói theo nhu cầu. Tuy công đoạn cuối dành cho người mua, nhưng hương chè thơm dịu ngọt trong chợ luôn nồng nàn.

Khác các loại hình chợ khác, chợ chè Thái Nguyên thực sự là một không gian văn hóa. Người đến chợ không chỉ bán, mua thông thường mà còn là để giao lưu tâm tình giữa người yêu chè và người làm chè. Dù chỉ dạo chơi và không mua bán, du khách cũng thoải mái tùy ý chọn chè pha uống. Người bán niềm nở, vui vẻ bất luận ai đó tỏ ra không ưng ý về chất lượng chè. Người bán, mua, người đi khảo giá, hoặc chỉ đi chơi với mọi sắc thái đều gặp nhau ở những chén trà.

Hầu hết các chợ chè đều có từ hàng chục năm nay tại các vùng trồng chè, ban đầu xuất phát từ nhu cầu tự thân trong mua bán sản phẩm. Sau, chính quyền quy hoạch, bố trí địa điểm, xây dựng cơ sở vật chất cho chợ. Các chợ chè luôn liền kề chợ truyền thống nên rất thuận tiện cho việc trao đổi, mua sắm các mặt hàng khác.

Các chợ đều có bàn pha thử chè

Khoảng 6 giờ 30 sáng, người mua và người bán đã có mặt và đến 7 giờ, chợ thực sự nhộn nhịp tới 11 giờ trưa. Chè được đựng trong các bao ni-lông, bên ngoài là bao tải dứa được người bán mở sẵn, người mua nhúm chè thả vào lòng bàn tay, dàn đều để cảm nhận, ngắm bằng mắt, đưa lên mũi ngửi hương trước khi quyết định pha thử.

Điều ấn tượng của chợ chè là việc “tuyển” chè không dùng ấm pha mà dùng chén. Thả nhúm trà vào chén, rót nước sôi và lấy một chén khác úp lên trên. Hãm chừng mười giây, người mua cầm hai chén trà lên chắt nước sang nhau để ngắm màu nước, ngửi hương, nhấp vài ngụm để cảm nhận vị. Hình (của búp, cánh), sắc, hương, vị (của nước) và hình (của bã) là những tiêu chí xác định chất lượng từng loại chè.

Những người sành chè chỉ nhìn màu nước cánh chè, ngửi hương đã có thể phân biệt được chất lượng. Khi nhấp ngụm nhỏ đã biết loại chè ấy bón bằng phân hữu cơ hay hóa học, chè sao đúng độ hay quá lửa. Chè Long Vân luôn được nhiều người lựa chọn và có giá cao bởi luôn dậy mùi hương, nước xanh sáng. Chè Bát Tiên tuy nước có màu đỏ nhạt nhưng lại cho mùi thơm ngọt. Các loại chè lai F1, TRI 777… thông dụng hơn và không khó để phân biệt.

Trà ngon là nước phải xanh, sánh, ngọt hậu, dư vị lan tỏa; phải đạt được ngũ quý là sắc - khí - hương - vị - thần. Do đó người mua chè thường tuyển chọn công phu, người bán cũng vì thế mà thoải mái cho khách chọn lựa.

Các phiên chợ chè đã được nhiều bạn hàng biết tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn cả một số tỉnh bạn, trở thành địa chỉ tin cậy của người mua bán chè như: Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên), La Bằng, Phú Cường, Minh Tiến (huyện Đại Từ)…Chợ chè Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) họp vào các ngày 1, 4, 6, 9… âm lịch hằng tháng và được đánh giá là một trong những chợ có quy mô lớn về lượng chè giao dịch và số người tham gia buôn bán thường xuyên.

Chợ chè Trại Cài (huyện Đồng Hỷ) thực chất là chè của cả vùng bao gồm các xã Minh Lập, Hòa Bình, thị trấn Sông Cầu. Vào những phiên chợ, người dân trong vùng đem chè đến chợ để bán và quen gọi chung là chè Trại Cài. Đây cũng là chợ chè họp nhiều phiên nhất (tới 12 phiên) trong tháng, phiên chính vào ngày 10 và ngày 15.

Chợ chè La Bằng (huyện Đại Từ) họp phiên chính vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 và phiên xép vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng. Chợ chè Phú Cường cùng với La Bằng là hai chợ chè lớn nhất của huyện Đại Từ. Chợ Phú Cường họp các ngày 1, 4, 6, 9… thu hút người làm chè 6 xã trong khu vực mang chè đã chế biến đến tiêu thụ. Cũng ở huyện Đại Từ, còn có chợ chè Minh Tiến họp vào các ngày trùng với chợ chè Trại Cài.

Thương lái thử chè tại chợ chè Trại Cài (huyện Đồng Hỷ)

Ông Nguyễn Văn Song, nhà ở phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên, một khách mua chè tại chợ chè Trại Cài mời tôi chén chè đặc vừa pha, bộc bạch: Chè Trại Cài có hương vị đặc trưng khó lẫn và rất đậm hương, vì vậy nhiều người thích. Tôi đã thử 7-8 bao, nghĩa là mỗi chén một bao và đều ưng ý. Đi chợ chè phải có sức để uống nước chè, nếu không chỉ dăm chén đã say.

Cây chè phát triển cho giá trị cao là cơ sở để ngưởi nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống và từng bước làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình. Bên cạnh các cơ sở chế biến hiện đại, việc hình thành các chợ chè để người nông dân tiêu thụ sản phẩm sơ chế khô là hết sức cần thiết. Nét độc đáo của chợ chè Thái Nguyên hứa hẹn sẽ là điểm đến trải nghiệm khám phá miền “đệ nhất danh trà” rất lý thú của du khách gần xa./.

CTV Phan Thái
thainguyen.gov.vn