Truy cập nội dung luôn

Đi tìm “chè sạch”

Nhận định về rau củ quả nói chung và chè nói riêng, nhiều người cho rằng không dùng các loại vật tư có thành phần hóa chất như: Phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng… trong sản xuất sẽ cho những sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe.

HTX trà Tuất Thoi, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ đầu tư hệ thống nhà lưới để sản xuất chè hữu cơ

Chè sạch: Không dùng hóa chất?

Chính từ suy nghĩ đó, người tiêu dùng đặc biệt đề cao sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, vài năm trở lại đây, Thái Nguyên đã có khá nhiều mô hình chè hữu cơ khởi sắc, tuy quy mô và sản lượng còn khiêm tốn.

Hợp tác xã (HTX) trà Tuất Thoi, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ có 5 ha chè được cấp chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Chia sẻ quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, bà Đào Thị Thoi, Giám đốc HTX thẳng thắn cho biết: Năm 2021, HTX bắt đầu tham gia mô hình sản xuất chè hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ. Đây là một quá trình dài, vất vả, không có tiềm lực về kinh tế và “độ lì” thì không nên làm và không thể làm được. Nếu cho rằng sản xuất hữu cơ chỉ là không dùng hóa chất thì đã hiểu không đúng bản chất của phương thức canh tác này. Chúng tôi đã phải mất nhiều năm thực hiện theo các điều kiện vô cùng nghiêm ngặt như: Đánh giá đất không có kim loại nặng hoặc kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép. Đối với các diện tích chè có sẵn, đã bón phân hóa học thì phải có 3 năm chuyển đổi. Khu vực chè hữu cơ phải được cách ly để tránh xâm nhập nguồn nước ô nhiễm, tránh xâm nhập không khí ô nhiễm do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và các nguồn hóa chất khác ở các vùng lân cận. Đồng thời còn phải chú trọng đến sinh thái, đa dạng hóa cây trồng nhằm hỗ trợ côn trùng có ích và vi sinh vật có lợi trong đất, tạo điều kiện sống cho các loài ếch nhái, chim, giun đất… Việc phòng ngừa sâu bệnh chủ yếu dựa vào phương pháp dẫn dụ côn trùng, bẫy côn trùng, sử dụng thiên địch. Canh tác hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động hơn, đặc biệt là việc bón phân hoặc dọn cỏ tốn công gấp nhiều lần nên chi phí nhiều hơn so với dùng thuốc diệt cỏ. Về năng suất, những năm đầu chuyển đổi, cây bị giảm dinh dưỡng đột ngột do ngưng phân bón hóa học nên dễ bị sâu bệnh hơn, năng suất thấp hơn. Sản phẩm chè hữu cơ đảm bảo các điều kiện thì rất “thật chất chè”, màu nước đẹp, thơm ngon, đậm đà, để qua đêm nước trà không bị đổi màu, uống vào rất dễ chịu và không bị mất ngủ.

Bà Thoi cũng nhấn mạnh: Trong quá trình thu hái và chế biến, đóng gói càng phải chú ý giữ dụng cụ vệ sinh vì chè là sản phẩm uống ngay chứ không qua đun nấu, nếu nhiễm bẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để tránh bụi bẩn bám vào chè nguyên liệu, HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới. Ngoài việc không sử dụng hóa chất còn phải chú trọng vệ sinh ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến, chỉ cần lơ là một khâu là sản phẩm có thể không còn sạch nữa. Riêng đối với nguyên liệu búp tươi, khi thu hái càng yêu cầu yếu tố vệ sinh vì chè hái xong đem chế biến ngay chứ không ai đem rửa rồi mới chế biến.

Chè búp khô được bảo quản trong kho lạnh tại HTX trà Tuất Thoi, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ

Chè sạch: Sản xuất theo chuẩn GAP

Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng diện tích khoảng 22,7 nghìn ha chè toàn tỉnh, có trên 130 ha được cấp chứng nhận hữu cơ, chuyển đổi sản xuất hữu cơ. So với nhu cầu thị thường, sản lượng chè hữu cơ đang chiếm tỷ lệ quá ít ỏi, cùng với đó là giá bán khá cao so với mặt bằng chung khiến cho loại “chè sạch” này chỉ mới đến được với một số ít khách hàng. Tuy nhiên, cùng với chè hữu cơ, còn có chè sạch theo chuẩn GAP (toàn tỉnh hiện có khoảng 4.400 ha được chứng nhận nhận VietGAP). Để được cấp chứng nhận VietGAP, nông dân phải tuân thủ hàng chục yêu cầu, từ quy trình sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, phải ghi chép và lưu trữ hồ sơ về cả quá trình canh tác. Chè hữu cơ và chè VietGAP giống nhau về bản chất đều là sản phẩm an toàn với sức khỏe, nhưng khác nhau về phương pháp canh tác. Chè VietGAP vẫn có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc diệt cỏ có nguồn gốc tổng hợp. Tuy nhiên, quy trình sản xuất phải được ghi chép cẩn thận, có thể truy nguồn gốc và khi kiểm tra, sản phẩm được sử dụng liên tục thì dư lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, hoạt động sản xuất cũng không gây ô nhiễm môi trường.

Đóng gói sản phẩm chè hữu cơ tại HTX trà Tuất Thoi

Để khuyến khích người dân sản xuất chè sạch an toàn VietGAP, chè an toàn hữu cơ, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ như: Kinh phí cấp giấy chứng nhận, kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác, sản xuất hữu cơ, hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học...

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định đến năm 2025 diện tích chè đạt 23.000 ha, 80% diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Đến năm 2030 diện tích chè đạt 24.000 ha, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. 100% các sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu riêng.

Sản phẩm chè của HTX trà Tuất Thoi tại Trung tâm trưng bày và bán sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP huyện Đại Từ

Với những mục tiêu đó, Thái Nguyên sẽ không chỉ cung cấp “chè sạch” cho người tiêu dùng trong cả nước mà còn đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới, cạnh tranh được với sản phẩm chè của nhiều quốc gia.

CTV Ngọc Khuê
thainguyen.gov.vn