Truy cập nội dung luôn

Để nhân rộng diện tích chè hữu cơ

Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những tỉnh có diện tích, sản lượng chè lớn nhất cả nước, với hơn 22 nghìn ha, sản lượng chè tươi đạt hơn 260 nghìn tấn. Đây là cây trồng thế mạnh, chủ lực, làm giàu cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ. Điều đó cho thấy vấn đề nhân rộng diện tích chè hữu cơ đang gặp không ít khó khăn.

Đến nay, toàn tỉnh mới có 65 ha được cấp chứng nhận chè hữu cơ

Những năm gần đây, HTX chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ triển khai mô hình trồng chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với diện tích 20ha. Người dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 40% giá phân bón, chế phẩm vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật, được đào tạo tập huấn chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Tuy nhiên, do năng suất trong giai đoạn đầu giảm đáng kể nên bà con vẫn trăn trở khi được HTX vận động mở rộng diện tích hữu cơ.

Bà Vũ Thị Thanh Hảo, HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Thời gian tới, HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để nhân rộng hơn nữa diện tích chè hữu cơ của HTX."

Thực tiễn, sản xuất chè cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần được tháo gỡ, như: Thói quen chăm sóc sử dụng quá mức thuốc trừ sâu và phân hoá học, chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật canh tác của người nông dân; vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân khi chuyển sang sản xuất hữu cơ... còn hạn chế. Cùng với đó: chè được trồng theo hướng hữu cơ, nhưng giá bán cũng như chè bình thường nên bà con không mấy mặn mà sản xuất chè theo hướng này.

Anh Phạm Văn Tiến, HTX Trà Cao Sơn, TP Sông Công chia sẻ: "Hiện HTX chúng tôi đang gặp khó khăn về vấn đề cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ, trang thiết bị cũng như nhà xưởng sản xuất còn hạn chế cũng như thị trường tiêu thụ vẫn còn nhỏ."

Với diện tích chè đứng đầu cả nước, cây chè đang dần khẳng định được vị thế và vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều vấn đề cần được đặt ra về quy mô vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu của xuất khẩu, thị trường; việc quy hoạch các vùng trồng chè theo tiêu chuẩn hữu cơ còn hạn chế, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, tư duy của nông dân cũng như sự tiếp tục quan tâm của các cấp ngành liên quan.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết: "Vùng nguyên liệu chè của Thái Nguyên còn manh mún, nhỏ lẻ. Vùng chuyên canh lớn khó chuyển sang hữu cơ vì muốn chuyển sang chè hữu cơ cần phải có vùng đệm và hộ gia đình nhỏ lẻ sẽ gặp bất lợi trong việc chuyển đổi sang chè hữu cơ."

Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cùng lối sống xanh của người tiêu dùng và thị trường thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp hữu cơ, không hóa chất là hướng đi tất yếu. Vì vậy, rất cần những giải pháp và sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương nhằm xây dựng thành công và nhân rộng mô hình hữu cơ góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm chè./.


thainguyentv.vn