Truy cập nội dung luôn

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến chè

Với tổng diện tích hơn 6.600ha, chè hiện đang là cây trồng mũi nhọn của huyện Đại Từ trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Do vậy, việc cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến chè là tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu bao tiêu thụ của thị trường. Từ đó, đưa thương hiệu chè Đại Từ đến gần hơn với người tiêu dùng, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Chế biến chè tại HTX Chè Hoàng Nông

Với nhiều nguồn hỗ trợ của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều đề án hướng tới phát triển các sản phẩm chè của địa phương. Đồng thời, triển khai lồng ghép nhiều chương trình, đề án để hỗ trợ người dân từng bước đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất. Trong giai đoạn này, 30 hệ thống máy sao chè bằng gas đã được hỗ trợ cho các hợp tác xã (HTX) và hộ sản xuất chè tại các xã: Hoàng Nông, La Bằng, Quân Chu, Minh Tiến… với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Thông qua hỗ trợ, người dân được tiếp cận với thiết bị hiện đại, thấy được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Thực tế cho thấy, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất chè đang phát huy giá trị tốt, mang lại hiệu quả thiết thực cho các đơn vị thụ hưởng.

Xã Phú Thịnh là 1 trong 5 xã nằm trong quy hoạch vùng chè xanh đặc sản của huyện Đại Từ. Mặc dù diện tích không lớn (gần 150ha) song chất lượng chè ở đây luôn được đánh giá cao bởi hương vị thơm ngon riêng có. Hiện trên địa bàn xã đã hình thành 2 HTX, 10 làng nghề, 5 tổ hợp tác sản xuất chè. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến HTX Chè Hải Yến, xã Phú Thịnh (Đại Từ). HTX hiện có 7 thành viên và 25 hộ liên kết cùng thực hiện một quy trình từ lúc trồng đến khi chăm sóc, thu hái. Ban quản trị HTX thường xuyên kiểm tra, giám sát các khâu sản xuất thông qua ghi chép sổ sách và thực tế hoạt động của các hộ trên nương chè. Từ cuối năm 2020 đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn đã hỗ trợ HTX hệ thống máy móc gồm tôn sao chè điện, máy hút chân không, máy vò chè với tổng giá trị trên 300 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức tập huấn về kỹ thuật chế biến, vận hành máy móc… cho các thành viên và người lao động tại HTX. Chị Hà Thị Yến, Giám đốc HTX cho biết: Vốn đầu tư máy móc, thiết bị rất lớn, trong khi đơn vị mới thành lập, chưa có đủ điều kiện để đầu tư mới toàn bộ. Thông qua nguồn hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn, HTX như được tiếp sức, có đầy đủ máy móc đồng bộ, sản phẩm làm ra đồng đều về chất lượng, hình thức. Hiệu quả thấy rõ khi tôn sao chè bằng gas có công suất gấp 4-5 lần tôn quay đun bằng củi, chè làm ra không bị ám khói bụi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thức sản phẩm cũng đẹp hơn nên được khách hàng ưa chuộng. Đến nay, HTX đã có 10ha chè được sản xuất theo quy trình VietGAP, cho sản lượng 120 tấn chè búp tươi/năm, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…

Cùng với sử dụng máy móc trong khâu chế biến, việc ứng dụng công nghệ cũng đang được các thành viên của HTX Nông nghiệp bền vững ở xã Phú Cường thực hiện ngay từ quá trình trồng, chăm sóc chè. Theo đó, HTX xây dựng, áp dụng quy trình tưới tự động tích hợp 4 trong 1, gồm: Nước, vi sinh, phân bón dạng lỏng và thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống tưới được cài đặt tự động, hết thời gian cài đặt sẽ tự động ngắt, từ đó, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất và nhân công. Anh Trương Thủy Luân, Phó Giám đốc HTX cho biết: Để gia tăng hiệu quả sản xuất thì tất yếu phải ứng dụng công nghệ, nhất là trong bối cảnh nhân công làm chè ngày càng ít dần. Với chi phí đầu tư không quá lớn (khoảng 30-35 triệu đồng/ha) nhưng hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm đáng kể lao động, chi phí sản xuất, đặc biệt là kéo dài thời gian sản xuất trong năm, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Từ năm 2016 đến nay, huyện Đại Từ cũng thực hiện hỗ trợ hệ thống tưới tự động trên tổng diện tích hơn 530ha chè cho trên 2.200 hộ dân thuộc 30 xã, thị trấn. Tổng kinh phí đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới trên 11,6 tỷ đồng. Hiện nay, các hộ dân đang sử dụng hệ thống tưới vào sản xuất, thâm canh cây chè, đặc biệt là diện tích chè vụ đông. Từ đó, góp phần giảm nhân công lao động, hạn chế diện tích chè bị chết do thiếu nước vụ đông.

Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất chè đông đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng chè xã Cù Vân

Thông qua hỗ trợ, người dân được tiếp cận với thiết bị hiện đại, thấy được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Từ đây, không ít HTX, cơ sở sản xuất chủ động đầu tư thêm máy móc, tự hoàn thiện cơ sở sản xuất của mình. Đơn cử như anh Nguyễn Quang Minh, Giám đốc HTX Chè sạch Quang Minh, xã Phú Cường. Anh cho biết: Sau khi thành lập HTX, việc đầu tiên tôi thực hiện là đầu tư hơn 1 tỷ đồng để thay thế các loại tôn đen, máy vò chè đã cũ, năng suất thấp, bằng các loại máy hiện đại như tôn sao inox công suất lớn, máy vò mới, máy hút chân không… Nhờ vậy, cánh chè nhỏ, nước xanh, ngọt hậu, lại không hề có mùi oi khói. Hiện HTX đang thử nghiệm dùng bếp đun ứng dụng công nghệ hóa sinh khối trong chế biến chè, nhằm tăng năng suất cũng như bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe cho người sản xuất.

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại từ thông tin: Xác định ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất chè được quan tâm chú trọng. Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ và chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp, giúp sản phẩm chè có chỗ đứng ổn định, từng bước nâng cao giá thành. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu sao, vò chè hiện đạt 100% và bảo quản đạt 60%... Toàn huyện Đại Từ hiện có gần 19.000 tôn sao chè có động cơ, hơn 150 tôn sao chè bằng gas, điện; trên 18.000 máy vò chè; hơn 4.000 máy đốn chè; gần 300 máy hút chân không…

Thanh Tâm
thainguyen.gov.vn