Truy cập nội dung luôn

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất chè

Ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chung nhằm từng bước nâng cao vị thế, chất lượng cho nông sản và tăng thu nhập cho bà con nông dân. Với Thái Nguyên, địa phương đang dẫn đầu cả nước về quy mô diện tích chè (22,3 nghìn ha), việc đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè được coi là hướng đi rất quan trọng.

Sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè là một trong những bước ứng dụng số trong quản lý chất lượng nông sản

Thời gian qua, với việc linh hoạt ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS trong hoạt động sản xuất, nhiều cơ sở, chủ thể sản xuất chè trên địa bàn tỉnh đã vững vàng vượt qua “cơn bão” COVID-19, hoạt động ngày càng hiệu quả.

Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) chè Trung du Tân Cương (xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), mặc dù chỉ mới thành lập vào năm 2018 nhưng 2 năm sau đó, HTX đã có 3 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX, cho biết: Chúng tôi đã chủ động ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất VietGAP trên diện tích 20 ha chè của HTX, trong đó có 5 ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ và 5 ha chè đã xây dựng được mã số vùng trồng; ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc; tích cực đưa máy móc như: Máy sao sấy, vò, hút chân không, cân định lượng... vào khâu chế biến, bảo quản; ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử vào khâu tiêu thụ… Qua đó, HTX kinh doanh, sản xuất có hiệu quả, đảm bảo việc làm cho 8 thành viên và 75 hộ liên kết. 

Thành viên HTX chè Trung du Tân Cương (TP. Thái Nguyên) sử dụng máy hút chân không nhằm bảo quản sản phẩm chè tốt hơn

Hay như với HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên), với việc tất cả các sản phẩm của HTX đều dán mã QR, việc quản lý chất lượng sản phẩm chè, đặc biệt là giao dịch bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Qua đó, năm 2021, HTX có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia; doanh thu bán lẻ cao hơn 2 lần so với năm 2020. 

Cùng với sự chủ động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè, thời gian qua, các ngành chức năng, đơn vị của tỉnh cũng đã tham gia tích cực vào công cuộc đẩy mạnh CĐS trong ngành chè. Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên: Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, góp phần thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, đơn vị chè, Hội đã hỗ trợ hội viên tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng CĐS, ứng dụng công nghệ số. Hội đã kết nối với các ngành để giới thiệu nhiều đơn vị hội viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về CĐS, đăng ký cấp mã số vùng trồng... Đến nay, 100% đơn vị hội viên đã tiếp cận và đang thực hiện ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; có 4 đơn vị đã thực hiện kết nối mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc để tìm kiếm thị trường xuất khẩu, 1 đơn vị đã giao thương thành công; 17 đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sản phẩm chè với sự tham gia của 238 hộ ở 16 HTX và 1 công ty, với tổng diện tích hơn 108 ha.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 77 HTX chè, 38 doanh nghiệp, 230 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, trong đó, khoảng 80% đơn vị đã được tiếp cận, thực hiện ứng dụng công nghệ số trong một số công đoạn trồng, chăm sóc chè (tưới, bón phân, quản lý mã vùng trồng....); khâu chế biến (quy trình chế biến, đóng gói...); khâu tiêu thụ (truy xuất nguồn gốc, quản lý bán hàng, thương mại điện tử...).

Tính đến nay, toàn tỉnh có 70.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; gần 100.000 hộ biết tạo tài khoản bán hàng, hơn 55.000 hộ sản xuất nông nghiệp mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Theo đó, hơn 3.000 mặt hàng sản phẩm nông nghiệp và gần 150 sản phẩm OCOP được bán trên các sàn thương mại điện tử, trong đó phần lớn là sản phẩm chè.

Những lợi ích thiết thực từ việc ứng dụng khoa học - công nghệ, CĐS đã được khẳng định khi mà sau 3 năm (2019-2021) thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, toàn tỉnh có 66,67% sản phẩm chè được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Đặc biệt năm 2021, tỉnh Thái Nguyên có 6 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, gồm: Chè tôm nõn (HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên); Trà tôm nõn (HTX chè an toàn Nguyên Việt, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ); Lộc trà thượng hạng (Công ty CP Trà Việt Thái xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên); Ngân long trà song ấm (Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên); Minh Tâm trà (HTX Tuyết Hương, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ); Tâm phúc trà (HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên).

Để việc ứng dụng khoa học công nghệ và CĐS trong sản xuất chè ngày càng đồng bộ, hiệu quả, các cơ sở, đơn vị trong tỉnh mong muốn được hỗ trợ về vốn, kinh phí mua máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến chè. Đồng thời mong muốn Nhà nước triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất chè theo hướng hữu cơ, VietGAP; đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá cho người lao động.


baothainguyen.vn