Festival Trà Thái Nguyên - những điều đọng lại
19-01-2022 09:43
Lễ Khai mạc Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 3 năm 2015 được tổ chức tại xóm Cao Trãng, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên (Ảnh: Đỗ Tuấn)
Qua 3 kỳ tổ chức Festival, điều đọng lại trước nhất trong ký ức của nhiều người, đó là một lễ hội sôi động, hoành tráng, được đầu tư công phu, ấn tượng và đầy tính nhân văn, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển của đất và người xứ Trà. Trong một không gian rộng lớn, ngập tràn âm thanh, màu sắc và đậm bản sắc dân tộc thì cây chè, người làm chè được tôn vinh ở vị trí xứng đáng. Ở đó, những người nông dân thuần hậu và hiếu khách tự hào phô diễn hoạt động sản xuất, chế biến chè gắn với đời sống của chính họ từ hàng trăm năm nay; được hãnh diện mời bạn bè và du khách bốn phương thưởng thức các sản phẩm trà thơm ngon, đậm đà đã nổi danh khắp trong và ngoài nước; được giới thiệu những giá trị của văn hoá Trà Việt với đông đảo người dân và du khách trong nước, quốc tế.
Với việc phục dựng nhiều hoạt động lễ hội, những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống, độc đáo của đồng bào các dân tộc, người dân và du khách có dịp được nâng cao đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, văn minh. Họ còn được chiêm ngưỡng, thưởng thức những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, nét văn hóa đặc sắc đến từ khắp các vùng miền trong tỉnh, trong nước và cả thế giới.
Có thể thấy, thông qua các kỳ Festival, những mục tiêu trong Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên đã đạt được, góp phần khẳng định Thái Nguyên là vùng đất “Đệ nhất danh trà” của Việt Nam. Thành công của các kỳ Festival trà đã tạo niềm tin, niềm tự hào cho người trồng chè cũng như các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh sản phẩm trà. Sau mỗi kỳ Festival trà, ngành Chè Việt Nam được biết đến nhiều hơn; tầm vóc, vai trò, giá trị của cây chè và sản phẩm trà, đời sống người trồng chè được nâng lên rõ rệt. Chè Thái Nguyên bán được giá cao hơn, được đầu tư chăm chút hơn cả về hình thức lẫn chất lượng. Ngành Chè, người làm chè được tôn vinh, có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế.
Các thí sinh tham dự cuộc thi Người đẹp Xứ Trà lần thứ 2 năm 2013 trong phần thi pha trà (Ảnh: Đỗ Tuấn)
Năm 2015, trà Thái Nguyên đã vinh dự được xếp hạng là một trong các đặc sản có giá trị tại châu Á. Thương hiệu trà Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại các thị trường có tính cạnh tranh cao như: Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ. Với hương vị thơm ngon đặc trưng, trà Thái Nguyên còn được lựa chọn làm quà tặng tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế lớn, nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng như: Tân Cương, Phúc Trìu, Trại Cài, La Bằng, Phúc Thuận… đã và đang là những điểm du lịch cộng đồng thu hút sự chú ý của nhiều du khách khi đến với Thái Nguyên.
Điều đọng lại sâu sắc hơn, đó là tư duy, nhận thức của các cấp chính quyền, của các doanh nghiệp và người dân đã thay đổi khi tỉnh xác định cây chè là cây trồng chủ lực của tỉnh. Tỉnh đã ban hành Đề án về nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020. Trong Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên thì cây chè đứng ở danh mục thứ nhất… Từ đó, nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người trồng chè, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh chế biến chè có cơ hội được “bung tỏa” đã ra đời và đi vào thực tế. Nhiều nguồn lực đã được đầu tư cho chè và người sản xuất, chế biến chè; nhiều giải pháp để tăng cường xúc tiến thương mại cho cây chè cũng được triển khai thực hiện.
Có thể đưa ra một vài con số để thấy sự tăng trưởng rõ nét: Nếu như năm 2016, diện tích chè toàn tỉnh chỉ đạt trên 21.300 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 211.000 tấn, giá trị sản phẩm trên 1ha chè là 118 triệu đồng thì đến hết năm 2021, diện tích chè toàn tỉnh đạt hơn 22.300 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 252 nghìn tấn, giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1ha chè đạt 270 triệu đồng. Giá bán các sản phẩm trà cũng có những mức tăng ấn tượng. Nếu như năm 2016, giá chè búp khô từ 120 - 220 nghìn đồng/kg và chè đặc sản từ 280 - 450 nghìn đồng/kg thì đến năm 2021, giá chè búp khô tăng lên 150 - 300 nghìn/kg và từ 350 - 600 nghìn đồng/kg chè đặc sản; sản lượng chè cao cấp có giá bán từ 2 đến 3 triệu đồng/kg thậm chí 10 triệu đồng/kg cũng tăng đáng kể.
Tư duy, nhận thức của người làm chè có những bước chuyển biến rõ nét. Giờ đây, người ta không chỉ nói đến việc làm ra sản phẩm chè ngon, mà còn nhắc nhau phải làm chè sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đậm đà hương vị truyền thống. Đó còn là việc doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và nước ngoài gặp gỡ, trao đổi và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã đến các vùng chè để khảo sát, cam kết đầu tư cho nông dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư cây giống, phân bón, chế biến và bao tiêu sản phẩm chè qua kênh các siêu thị bán chè an toàn, ấp ủ ước mơ tận dụng tinh túy của trà để làm ra nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chứ không chỉ là thức uống đơn thuần.
Hai năm qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đến “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu, nhưng cây chè và các sản phẩm trà của Thái Nguyên vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Người làm chè vẫn có cuộc sống ổn định, phát triển. Đó là điều đọng lại căn bản nhất, đáng tự hào nhất của quá trình phấn đấu bền bỉ, nỗ lực xây dựng thương hiệu trà Thái Nguyên mà các kỳ Festival Trà là điểm nhấn./.
thainguyen.gov.vn