Sắc màu văn hóa và tiềm năng kết nối du lịch Thái Nguyên - Bắc Kạn
2025-04-12 13:50:00.0
Văn hóa truyền thống được quảng bá tại Lễ hội đường phố “ Bắc Kạn lung linh sắc màu”. ( Ảnh: Thành Chung)
Tỉnh Bắc Kạn sở hữu một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam"; 20 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu là hát lượn cọi, lượn slương, hát then - đàn tính, múa bát của người Tày, hát sli của người Nùng, hát pá dung của người Dao; nghệ thuật thêu hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao đỏ, Nghi lễ cấp sắc của người Dao tiền… Những nét văn hóa đã tạo nên bức tranh mang đậm giá trị nhân văn, phản ánh sinh động vẻ đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc trong sinh hoạt, lao động, sản xuất, để lại ấn tượng sâu đậm cho du khách đến khám phá và trải nghiệm.
Lễ hội đường phố “Bắc Kạn lung linh sắc màu” là dấu ấn đặc sắc chào mừng kỷ niệm 125 năm ngày Thành lập tỉnh. Lễ hội có sự tham gia của hơn 1.100 nghệ nhân, diễn viên, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên, thiếu nhi đến từ các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội được tổ chức với các phần trình diễn, diễn xướng của các nghệ nhân, diễn viên trên sân khấu chính tại Nhà văn hóa tỉnh và các tuyến phố của thành phố Bắc Kạn, giúp Nhân dân và du khách thưởng thức những nét văn hóa độc đáo, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Mỗi huyện, thành phố mang đến Lễ một nét văn hóa riêng biệt, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đậm đà nét truyền thống và đa sắc của Bắc Kạn đến Nhân dân và du khách như: Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tiền (huyện Bạch Thông), Đám cưới của người Dao đỏ (huyện chợ Đồn), điệu múa rùa độc đáo của người Dao Tiền (huyện Ngân Sơn); Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông (huyện Pắc Nặm). Bà Triệu Thị Minh, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn bày tỏ cảm xúc: "Tôi rất hạnh phúc khi được tham gia đoàn diễn diễu của huyện trong Lễ hội và càng hạnh phúc hơn khi được quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào Dao đỏ đến với người dân và được Nhân dân đón nhận rất tích cực. Chúng tôi cũng hy vọng, qua sự kiện này, sẽ có thêm nhiều bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng tình yêu, gìn giữ và bảo tồn nét đặc sắc của đồng bào Dao đỏ chúng tôi".
Bắc Kạn có tài nguyên thiên nhiên phong phú để phát triển du lịch. (Trong ảnh: Một góc hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn)
Bắc Kạn sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ nên đã trở thành điểm đến cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Vườn quốc gia Ba Bể của Bắc Kạn có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng như: Hồ Ba Bể, Ao Tiên, đảo Bà Góa, đền An Mã, động Puông, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, sông Năng, động Hua Mạ, động Nà Phoòng, hang Thẳm Kít, hang Thẳm Phầy cùng với các cánh rừng nguyên sinh, các bản nhà sàn ven hồ lưu giữ những nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thăm quan, nghiên cứu khoa học, du lịch tìm hiểu văn hóa bản sắc, du lịch mạo hiểm, cộng đồng...
Bắc Kạn còn có 120 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh và 56 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Đi cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với 291 di sản đã được kiểm kê, nhận diện, trong đó có 20 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách du lịch quốc tế. Nhiều di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, Di tích lịch sử Nà Tu, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông, Di tích lịch sử chiến thắng Đèo Giàng... là những địa điểm mang dấu ấn một thời về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam. |
Với sự phong phú, đa dạng về du lịch, Bắc Kạn có nhiều tiềm năng để kết nối với du lịch vùng, đặc biệt là với Thái Nguyên - tỉnh trung tâm vùng. Ông Hà Trọng Đạt, du khách đến từ tỉnh Nghệ An cho biết: Tôi đã nhiều lần tổ chức cho gia đình, bạn bè đi thăm quan các thắng cảnh, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Đây là hai địa phương có nhiều sự tương đồng về tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch, bởi vậy nếu Thái Nguyên - Bắc Kạn phát triển được những tour du lịch liên kết thì sẽ giúp cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm hơn. Khi tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn tới đây được hoàn thành sẽ thêm lợi thế để Bắc Kạn thu hút khách thăm quan, du lịch trải nghiệm".
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ CHí Minh trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. ( Ảnh: Mạnh Thắng)
Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Xác định tiềm năng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. |
Một hành trình - nhiều điểm đến, nhiều trải nghiệm luôn là mục tiêu được ngành Du lịch hướng tới, bởi vậy việc liên kết vùng là giải pháp được toàn Ngành tập trung đẩy mạnh. Từ thành công của Lễ hội "Bắc Kạn lung linh sắc màu" đã mở ra những cơ hội, tiềm năng mới để kết nối du lịch của Bắc Kạn với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là tỉnh Thái Nguyên, để du khách trong và ngoài nước sẽ có thể nối dài những hành trình trải nghiệm đậm bản sắc của núi rừng Việt Bắc.
thainguyen.gov.vn