Truy cập nội dung luôn

Triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình bệnh dại trên người thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022). Tính riêng từ ngày 1/1/2024 đến ngày 20/2/2024, cả nước đã xảy ra 18 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên rửa vết thương cho bệnh nhân bị động vật cắn. (Nguồn ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên)

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Đối với Thái Nguyên, từ đầu năm 2024 đến nay, có 539 người bị chó, mèo cắn đi điều trị dự phòng tại Trung tâm Y tế tuyến huyện, tỉnh. Trong đó, có 1 người tử vong do mắc bệnh dại tại xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai.

 Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý đàn chó mèo nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật theo đúng quy định; thường xuyên thông tin về tình hình bệnh dại trên người và động vật, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và những biện pháp phòng, chống để người dân chủ động, tích cực tham gia. Yêu cầu chủ nuôi chó, mèo chủ động giám sát sức khỏe, không bán, giết thịt chó, mèo bị ốm, nghi mắc bệnh dại và phải báo ngay cho thú y cơ sở, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư và số chó, mèo nuôi trong từng hộ gia đình để lập sổ quản lý. Thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo tại địa phương đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt 70% trở lên (tính trên tổng đàn thực tế). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật, triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên động vật.

Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng dại cho chó tại phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại tới cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học,... trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn