Truy cập nội dung luôn

Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường - Vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 12/2/2024 quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay thế Thông tư 25/2023/TT-BGDĐT áp dụng từ tháng 10/2020 đến nay. Điểm khác biệt lớn nhất của Thông tư mới này là quyền quyết định chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước. Thông tư nhận được sự đánh giá tích cực từ dư luận và xã hội về việc đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học, vì mục tiêu giáo dục toàn diện.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa Trường Tiểu học Hương Sơn, TP. Thái Nguyên triển khai nhiệm vụ 

Mỗi nhà trường thành lập một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa

Thông tư 27 quy định: Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập một hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng. Người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (trong danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt); cha, mẹ, cha mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột và anh, chị, em vợ hoặc chồng của người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa; người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia Hội đồng.

Chị Vũ Bích Vân, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên là phụ huynh có 2 con đang theo học chương trình giáo dục phổ thông, do đó chị Vân rất quan tâm tới các nội dung của Thông tư 27, chị cho biết: Trước đây có rất nhiều thông tin liên quan đến những vấn đề về ngữ pháp cũng như từ vựng, hình ảnh minh hoạ trong một số bộ sách đã phát hành. Bởi vậy, là một phụ huynh tôi rất quan tâm đến việc con mình được sử dụng bộ sách nào trong quá trình học tập và chất lượng của bộ sách được lựa chọn. Việc Thông tư mới quy định về việc mỗi nhà trường được thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tôi thấy rất hợp lý. Bởi hơn ai hết, chính các giáo viên là người trực tiếp đứng lớp và sử dụng học liệu sách giáo khoa để dạy học, họ sẽ là người biết được học sinh của mình cần hàm lượng kiến thức như nào và mức độ quan trọng của kiến thức.

Một trong số các bộ sách mẫu được đưa về các nhà trường để lựa chọn 

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chuyên môn và người đứng đầu

Theo quy định của Thông tư 27, Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng. Căn cứ vào kế hoạch của hội đồng và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu trước khi thực hiện; tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục (bao gồm giáo viên biên chế, hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường) tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó.

Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn. Trường hợp không có sách giáo khoa nào đạt từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại. Sách giáo khoa được lựa chọn là sách có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai. Trong cả 2 lần bỏ phiếu, nếu có từ 2 sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất bằng nhau thì tổ trưởng tổ chuyên môn quyết định lựa chọn một trong số sách giáo khoa đó…

Liên quan đến việc Thông tư 27 quy định và nêu rất rõ về trách nhiệm, vai trò của giáo viên chuyên môn với việc lựa chọn sách giáo khoa nhận được sự đồng tình của nhiều nhà giáo cũng như dư luận. Cô giáo Tô Thị Thanh Nhàn, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Khoa học xã hội, Trường THCS Hương Sơn, TP. Thái Nguyên đã có hơn 20 năm dạy học, với việc được trực tiếp tham gia vào lựa chọn sách giáo khoa lần này, cô Nhàn bày tỏ vui mừng: Vai trò của học liệu rất quan trọng, với chúng tôi, những người trực tiếp đứng lớp và sử dụng học liệu để làm cơ sở truyền tải kiến thức tới học sinh, thì việc được lựa chọn sách giáo khoa cho chính việc dạy học của mình rất ý nghĩa. Từ việc nghiên cứu sách, với những phương pháp dạy học liên tục được trau dồi, chúng tôi đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong từng bước của lựa chọn sách giáo khoa, để có được bộ sách hiệu quả nhất cho việc dạy và học.

Thông tư 27 đánh giá rất cao vai trò của tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn trong lựa chọn sách. (Trong ảnh: Giáo viên Trường THCS Hương Sơn, TP. Thái Nguyên tham gia nghiên cứu bản sách mẫu) 

Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa về nhà trường sẽ đi liền với trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Tại Trường THCS Hương Sơn, TP. Thái Nguyên, các giáo viên đã bắt tay vào nghiên cứu các bộ sách giáo khoa đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch. Bà Doãn Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Hương Sơn, TP. Thái Nguyên cho biết: Lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư mới, quyền và trách nhiệm của giáo viên, nhà trường sẽ lớn hơn; trong đó quan trọng nhất vẫn là vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng. Cùng với đó, mỗi giáo viên phải ý thức sâu sắc về quyền và vai trò của mình. Việc lựa chọn sách bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và dựa trên tiêu chí: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đó là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. Để đạt được mục tiêu này, cùng với lựa chọn sách giáo khoa, mỗi nhà giáo phải thật sự trở thành những người “truyền lửa” để thổi tình yêu khám phá tri thức vào mỗi học sinh.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn