Truy cập nội dung luôn

Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất với Việt Nam về khung chính sách đối với nhà giáo

Chiều 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khung chính sách và pháp lý đối với nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa - Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam”.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, các đơn vị Bộ Giáo dục và Đào tạo và hơn 150 nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, và hơn 10 tổ chức quốc tế, tổ chức của UNESCO…

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở nhiều quốc gia, nhất là với đất nước có truyền thống trọng học, trọng thầy thì vị trí, vai trò của nhà giáo luôn được quan tâm. Nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ xây dựng Đề án Luật Nhà giáo với phương châm nhất quán nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng làm sao để thu hút, giữ chân được những người tài vào nghề sư phạm, yên tâm cống hiến.

Thời gian qua, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với quy trình, thủ tục công phu, kỹ lưỡng. Trong đó có sự tham gia trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học, các sở Giáo dục và đào tạo. Dự thảo Luật Nhà giáo đã trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, có 127 lượt ý kiến tại các tổ và có 37 ý kiến thảo luận tại nghị trường.

Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất với Việt Nam về khung chính sách đối với nhà giáo ảnh 1

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo

Theo quy định, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội 2 vòng. Vòng 1 đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến ngày 20/11 vừa qua. Tại kỳ họp thứ 9, dự kiến vào tháng 5/2025, Quốc hội tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua dự thảo Luật Nhà giáo.

Tại hội thảo, đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong nước, quốc tế đã có những đóng góp, chia sẻ, kiến nghị chung quanh các quy định cơ chế, chính sách đối với nhà giáo.

Bà Miki Nozawa, Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam nhận định: Chất lượng nhà giáo là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả học tập. Tuy nhiên, nghề giáo phải đối mặt với những thách thức đáng kể và phải thích ứng với nhu cầu giáo dục và xã hội không ngừng thay đổi. Để hỗ trợ nhà giáo hoàn thành vai trò quan trọng này cũng như giải quyết những thách thức mới nổi, điều cần thiết là phải xây dựng luật pháp toàn diện về nhà giáo. Luật này sẽ bảo đảm rằng nhà giáo có thể tiếp tục cung cấp nền giáo dục chất lượng cho mọi người, đóng góp vào một xã hội công bằng và hòa nhập hơn, nơi mà chính họ cũng là các đối tượng hưởng lợi.

Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, hiện nay đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của công cuộc đổi mới giáo dục, đội ngũ này vẫn đang trong tình trạng thiếu về số lượng, bất hợp lý về cơ cấu, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Vì vậy, cần xây dựng chính sách nhà giáo theo tiếp cận toàn diện và tổng thể, phù hợp các quan điểm chỉ đạo trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; phát triển các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo theo định hướng chuyển đổi, đi trước một bước để sẵn sàng cho việc chuyển đổi việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục; bảo đảm chế độ tiền lương, đãi ngộ và khen thưởng nhà giáo tương xứng với vị thế, vai trò, trách nhiệm và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; nhận diện và khắc phục những tồn tại, rào cản hiện nay trong tuyển dụng, sử dụng và giữ chân nhà giáo…

Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất với Việt Nam về khung chính sách đối với nhà giáo ảnh 2

Đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo

Đánh giá cao cách tiếp cận của dự thảo Luật Nhà giáo, đặc biệt là sau các lần chỉnh sửa, bổ sung thì đã có sự tương đồng đối với luật về nhà giáo ở các quốc gia trên thế giới, Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng Bùi Xuân Hải cho rằng, về công tác tuyển dụng giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học công lập; lưu ý chính sách về lương giáo viên đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, chưa tự chủ; thu hút giảng viên, chế độ cho giảng viên người nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng ở các nước tiến tiến và có truyền thống về giáo dục, họ xác định rõ vai trò, vị thế của nhà giáo đối với sự hưng thịnh của quốc gia. Đầu tư cho giáo dục, phát triển nhà giáo là đầu tư cho sự phát triển, cho hiện tại và tương lai. Thông qua các ý kiến được trao đổi tại hội thảo cho thấy sự phát triển đội ngũ nhà giáo và xây dựng chính sách nhà giáo cần tạo thuận lợi nhất để phát triển nhà giáo. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo ghi nhận đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, tiếp thu, tổng hợp theo tinh thần khoa học, có chọn lọc trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay.

 

 


nhandan.vn