Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2019 của tỉnh Thái Nguyên, thì chỉ số đào tạo lao động đạt cao nhất với 7,88 điểm. Kết quả này cho thấy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm. Các cơ sở giới thiệu việc làm, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp.

Trường Trung cấp Nghề Thái Nguyên đầu tư mua robot cho học sinh thực hành.

Hơn 2 tỷ đồng là số tiền Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên đã bỏ ra để đầu tư mua robot cho học sinh thực hành... Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng cũng đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng các phòng học mô phỏng... Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, các trường dạy nghề của Thái Nguyên đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ông Trương Văn Biển, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên cho biết: "Ngay từ khi xây dựng chương trình, nhà trường đã mời các doanh nghiệp phối hợp với nhà trường để đưa khoa học kỹ thuật thực tế tại doanh nghiệp vào chương trình tổ chức giảng dạy của nhà trường; giáo viên của nhà trường cũng thường xuyên được đào tạo, tập huấn, thực tế làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất; toàn bộ học sinh nhà trường sau khi được đào tạo kiến thức, kỹ năng, tay nghề tại nhà trường, trước khi tốt nghiệp đều được ra ngoài doanh nghiệp làm, tập huấn để làm quen với kỹ năng, tay nghề sản xuất thực tế".

Bên cạnh nỗ lực của các trường dạy nghề, hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh cũng đang tăng cường kết nối giữa người lao động với các doanh nghiệp. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, thời gian gần đây, các trung tâm đã tích cực đẩy mạnh các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm; tăng tần suất, đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả tổ chức Sàn giao dịch việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm và ở các địa phương. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm các Khu công nghiệp Thái Nguyên cho hay: "Có nhiều biện pháp để triển khai phù hợp với tình hình thực tế hàng năm để đem lại hiệu quả như: Triển khai một số hội nghị phổ biến chính sách pháp luật, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, phối hợp với doanh nghiệp để tuyển dụng trực tiếp người lao động tại UBND các phường, xã trên địa bàn tỉnh".

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cũng cho biết: "Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong đó đặc biệt chú ý việc thu thập, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, đánh giá sát tình hình thực tế, đưa nguồn thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng tới người lao động; hỗ trợ người lao động tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác".

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Nguyên trao đổi thông tin với phóng viên.

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, năm 2019, các cơ sở này đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho gần 43.000 người, vượt 6,3% so với kế hoạch đề ra. Cũng trong năm qua, Thái Nguyên đã tạo việc làm tăng thêm cho gần 25.000 người, bằng 165% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,6%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đã thực sự được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp sát thực tế, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nỗ lực này cũng đã góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 của tỉnh Thái Nguyên tăng 6 bậc, trong đó chỉ số đào tạo lao động đạt điểm số cao nhất. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Nguyên cho biết: "Ngành đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực để thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đào tạo, giữa các cơ sở đào tạo với người học và với người sử dụng lao động; tập trung đào tạo cac ngành nghề trọng điểm của tỉnh đạt cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế".

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, thì để chỉ số đào tạo lao động giữ được điểm số cao trong năm tới sẽ rất nhiều thách thức bởi đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới cung - cầu lao động; bên cạnh đó, nguồn lao động trẻ, có chất lượng trên địa bàn tỉnh để đào tạo, tuyển dụng cho các doanh nghiệp cũng ngày càng thu hẹp. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành Lao động - thương binh - xã hội tỉnh sẽ tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng lao động; tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp cho người lao động; đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, giáo dục văn hóa nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho người lao động; hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường, cơ sở đào tạo nghề nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong tình hình mới./.

Nguồn: thainguyentv.vn

Tác giả: Phương Linh