Truy cập nội dung luôn

Hoàn thiện hạ tầng cây xanh đô thị, hướng tới mục tiêu xanh - thông minh - bền vững

Hướng tới mục tiêu phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững, Thái Nguyên đặt trọng tâm vào việc gia tăng quỹ đất cây xanh, công viên, cải thiện chất lượng sống cho người dân đô thị. Trong 4 năm qua, nhiều công trình công viên, hồ điều hòa, khuôn viên cây xanh đã được đầu tư tại các thành phố lớn như: Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công, góp phần đáng kể vào chỉnh trang đô thị và tạo dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Phối cảnh công viên thành phố Sông Công

Tỉnh đã thực hiện rà soát định kỳ các khu đất quy hoạch cây xanh, công viên và đất công xen kẹp để khai thác hiệu quả cho mục tiêu phát triển không gian xanh đô thị; qua đó, đã có 66 khu đất công được rà soát, 15 công trình đã được đầu tư xây dựng khuôn viên cây xanh, vườn hoa kết hợp thể dục thể thao phục vụ cộng đồng dân cư.

Công tác quy hoạch và quản lý cây xanh cũng được tăng cường. Các cấp, ngành tập trung thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo đảm diện tích cây xanh công cộng theo quy chuẩn; đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện hạng mục cây xanh, vườn hoa trong các dự án khu dân cư; ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bằng phần mềm ThaiNguyen SmartTrees; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cùng chăm sóc, bảo vệ cây xanh tại nơi sinh sống.

Tuy nhiên, tại một số đô thị trọng điểm vẫn chưa có công viên tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực cây xanh còn gặp khó khăn do thiếu cơ chế hỗ trợ cụ thể.

Phối cảnh Dự án xây dựng cảnh quan phía sau Quảng trường Võ Nguyên Giáp

Để khắc phục những tồn tại và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển cây xanh đô thị trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công viên, hồ điều hòa, cây xanh, vườn hoa bằng nguồn vốn đầu tư công đã được phê duyệt; bảo đảm hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng hoặc sớm hơn tiến độ. Định kỳ 6 tháng, báo cáo tiến độ triển khai gửi UBND tỉnh và Sở Xây dựng để tổng hợp, theo dõi.

Chính quyền địa phương tiếp tục rà soát quỹ đất xen kẹp sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo Trung ương; chủ động huy động nguồn lực để đầu tư các khu cây xanh, vườn hoa quy mô phù hợp với nhóm nhà ở, đơn vị ở; tổ chức trang trí thảm hoa, thảm cỏ tại các khu vực đất công cộng chưa sử dụng như hành lang công trình, bãi đất trống, đất giáp ranh… đảm bảo theo đúng quy chuẩn, quy định chuyên ngành.

Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, trường học… trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; phát động các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về xây dựng môi trường sống xanh.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai phần mềm ThaiNguyen SmartTrees đến các phòng ban chuyên môn cấp huyện, cập nhật và đồng bộ dữ liệu cây xanh với hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị của tỉnh.

Đối với các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở, khu tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm việc đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạng mục cây xanh, vườn hoa theo quy hoạch được phê duyệt. Những dự án chưa có hạng mục này cần khẩn trương rà soát, bổ sung để tổ chức thực hiện. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đồng thời gắn trách nhiệm đầu tư hạng mục cây xanh với các thủ tục kinh doanh bất động sản, bàn giao dự án theo đúng quy định.

Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, trường học… trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh

Sở Tài chính phối hợp cùng Sở Xây dựng và chính quyền địa phương nghiên cứu, đề xuất cơ chế và hình thức đầu tư tối thiểu một công viên đô thị tập trung tại thành phố Thái Nguyên. Công viên này cần đạt quy mô tối thiểu từ 11 - 15 ha, với tiêu chí bảo đảm diện tích cây xanh công cộng đạt tối thiểu 6m²/người, không bao gồm đất cây xanh trong đơn vị ở. Việc lựa chọn địa điểm và hình thức đầu tư phải căn cứ theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, phù hợp với quy định pháp luật và khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư công của tỉnh. Thời hạn hoàn thành đề xuất cơ chế chậm nhất vào quý II năm 2026.

Các sở, ngành, đơn vị và địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 17/6/2021; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 15/12 để tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo phù hợp.

Trần Huyền
thainguyen.gov.vn