Truy cập nội dung luôn

Giữ hương vị cổ truyền

Từ nghìn đời nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, các gia đình lại chuẩn bị những chiếc bánh chưng để dâng cúng gia tiên. Trong tâm thức của người Việt, bánh chưng không chỉ thể hiện nét đẹp văn hoá, ẩm thực mà còn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên.

Những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi về thăm tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình). Nơi đây, bà con Nhân dân vẫn giữ được tục gói bánh chưng bằng lá chít, thay vì lá dong như thông thường, hương vị Tết cổ truyền ở địa phương vì thế thêm đặc sắc và riêng có.

Tại thị trấn Hương Sơn, không khó để bắt gặp những người dân đang chặt và tách lá chít. Trên các diện tích đất trống ở đồi, vườn, cây chít cho những chiếc lá xanh mướt, to bản và đầy sức sống. Lá chít sau khi cắt về được rửa sạch, để ráo nước và cắt bỏ phần đầu, cuối. Có gia đình cầu kỳ còn buộc lá chít thành từng bó cho vào nồi luộc khoảng 30 phút rồi mới vớt ra rửa. Lá đẹp là loại to và dày bản. Nguyên liệu làm bánh cũng đều là đặc sản của địa phương Phú Bình. Đó là gạo nếp Thầu dầu, đỗ xanh ruột vàng lựa chọn những hạt căng mẩy, tròn trịa; thịt làm nhân cho bánh cũng được lựa chọn cẩn thận đem tẩm ướp gia vị, trong đó có hạt tiêu - hương vị không thể thiếu của bánh chưng.

Nhờ kinh nghiệm lâu năm, nên dù lá chít nhỏ hơn nhiều so với lá dong, nhưng từ bàn tay cẩn thận, khéo léo xếp lá của các bà, các mẹ, chiếc bánh dài đầy đặn, tròn trịa và chắc tay liên tục được gói xong trong thời gian rất ngắn. Bánh sau khi gói xong được xếp vào nồi luộc, thời gian luộc thường từ 8 - 12 tiếng đồng hồ. Bánh thành phẩm đạt tiêu chuẩn trắng, dẻo rền và đậm đà, thơm của hương vị lá chít quyện với nhân đỗ, thịt, và gia vị.

Trong hương thơm của bánh chưng, tiếng nổ tí tách của củi lửa gợi cho mỗi người nhớ về tuổi thơ ngồi trông bánh đợi khắc giao thừa. Hương vị quê hương gói ghém trong chiếc bánh Tết làm ấm lòng những người con xa mỗi khi trở về quê hương yêu dấu.

 

 

 

 

 

 

 

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn