Truy cập nội dung luôn

Công ước 2003 với bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam

Ngày 26.12, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội thảo “20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng”.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra còn có đại diện các tổ chức cộng đồng, đại diện cộng đồng, nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể như Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hát xoan Phú Thọ, ca trù, hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc, nghi lễ và trò chơi kéo co đền Trấn Vũ, cộng đồng thực hành nghệ thuật diều, nghề nặn con giống bột Xuân La…

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS. TS Đỗ Văn Trụ phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết cách đây 20 năm, tại phiên họp lần thứ 32 ở Paris (Pháp), Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - văn bản mang tính pháp lý quốc tế và là sự cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày 5.9.2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước. Tinh thần của Công ước đã bước đầu vận dụng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta, với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Tại Hội thảo "20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng", các đại biểu cùng đánh giá việc thực hiện Công ước UNESCO 2003, liên hệ với Luật Di sản văn hóa và chỉ ra tác động của Công ước đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

Thông qua nhận diện các thách thức và những tồn tại trong công tác bảo vệ di sản thời gian qua, hội thảo chia sẻ các trường hợp điển hình về các thực hành tốt và bài học kinh nghiệm, với điểm nhấn là TP. Hà Nội. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, trong đó có sửa đổi Luật Di sản văn hóa.

“Hội thảo diễn ra đúng thời điểm chúng ta đang khẩn trương chuẩn bị sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Hy vọng những kết quả từ hội thảo, những tiếng nói, đề xuất, kiến nghị tại hội thảo sẽ cung cấp thông tin bổ ích cho việc xây dựng văn bản pháp lý quan trọng này”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nói.


daibieunhandan.vn