Truy cập nội dung luôn

Đổi thay tích cực ở vùng đồng bào Khmer Tây Nam Bộ

Đồng bào Khmer Nam Bộ hiện có hơn 1,3 triệu người, chiếm 4,45% tổng dân số khu vực Nam Bộ; sinh sống thành cộng đồng, đan xen với các dân tộc Kinh, Hoa và một số dân tộc khác. Nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng; quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện đối với vùng dân tộc và miền núi, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Ðồng bào Khmer Sóc Trăng vào ngày hội. (Ảnh NGUYỄN PHONG)

Bài 1: Tạo nền tảng vững chắc phát triển vùng đồng bào Khmer

Nhờ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, cho nên kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng có đông đồng bào Khmer, các xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.

Phát triển kết cấu hạ tầng

Mỹ Tú là huyện vùng sâu có đông đồng bào Khmer của tỉnh Sóc Trăng, điều kiện kinh tế, xã hội còn thấp, kết cấu hạ tầng nhiều hạn chế. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, Châu Thị Muỗi cho biết, xã có hơn 50% dân số là người Khmer. Mới đây, đồng bào Khmer ở ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng rất phấn khởi vì có cầu nông thôn Ðại Ðoàn Kết 3 chiều dài 24m, chiều rộng 3m, tổng kinh phí xây dựng 250 triệu đồng. Khi chưa có cầu, người dân đến chợ phải đi đường vòng, trẻ em đi học và vận chuyển người bệnh gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện Mỹ Tú chiếm khoảng 6% dân số với gần 1.000 hộ. Năm 2023, địa phương vận động được hơn 19 tỷ đồng, theo đó xây dựng 128 căn nhà, 36 cây cầu và nhiều tuyến lộ giao thông làm bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Ðào cho biết, giai đoạn 2019-2024, từ nguồn lực của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, tỉnh đã lồng ghép đầu tư, nâng cấp, làm mới kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm; 99% số hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số được sử dụng lưới điện quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,65%. Toàn tỉnh đã có 70 trong số 80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 34 xã vùng dân tộc thiểu số; 4 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại Kiên Giang, thông qua nguồn lực của Trung ương và địa phương, thời gian qua tỉnh đã tập trung đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, chính sách, hạ tầng vùng đồng bào Khmer.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết, giai đoạn 2019-2024, từ nguồn vốn nhà nước và các nguồn lực khác, tỉnh đã xây dựng 244 công trình cầu, đường giao thông, trạm xá, trường học, hệ thống thủy lợi ở vùng đồng bào Khmer với tổng kinh phí 672 tỷ đồng. Nhờ kinh phí phân bổ từ 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, tỉnh Kiên Giang đầu tư hạ tầng vùng đồng bào Khmer, qua đó cơ bản bảo đảm giao thông nông thôn thuận tiện; điện lưới quốc gia, hệ thống thủy lợi bảo đảm cho sản xuất và sinh hoạt, hạ tầng viễn thông được kết nối.

Từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Trà Vinh kết hợp xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo bền vững.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Kiên Ninh, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Trà Vinh triển khai các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng mức đầu tư hơn 271 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn triển khai dự án cấp điện nông thôn với tổng mức đầu tư hơn 307 tỷ đồng, mục tiêu cấp điện sinh hoạt cho hơn 12.000 hộ đồng bào Khmer. Trước đây, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh thực hiện dự án cung cấp điện cho 20.000 hộ dân chưa có điện, chủ yếu là hộ đồng bào Khmer tại 83 xã với tổng kinh phí hơn 227 tỷ đồng. Dự án đưa vào khai thác, nâng tỷ lệ hộ đồng bào Khmer sử dụng điện từ 93,8% lên 97,4%, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần người dân.

Theo Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình 135 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn khu vực Tây Nam Bộ có 95 xã khu vực 3, 14 xã biên giới và 417 ấp đặc biệt khó khăn của 10 tỉnh, thành phố được thụ hưởng đầu tư với tổng kinh phí hơn 1.721 tỷ đồng, bằng 7,1% vốn Chương trình 135 của cả nước. Từ nguồn vốn này đã xây dựng được 1.613 công trình, hầu hết là giao thông (1.360 công trình), 43 công trình thủy lợi, 9 công trình điện, 105 công trình văn hóa, 1 công trình y tế, 70 công trình giáo dục, 3 công trình nước sinh hoạt và 22 công trình xây dựng khác...

Giai đoạn 2021-2023, hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các địa phương vùng Tây Nam Bộ được phân bổ ngân sách hơn 2.707 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm bình quân từ 2-4%/năm.

Nâng cao đời sống đồng bào

Trong căn nhà khang trang, gia đình ông Lý Be, xã Ðại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng người già, người trẻ đang tíu tít chuẩn bị Lễ cúng Trăng. Ông Lý Be hồ hởi: "Năm nay làm ăn thuận lợi, các con cháu tui cùng tề tựu sum vầy đón Lễ Oóc Om Bóc thật vui!".

Mừng Lễ Oóc Om Bóc năm nay, các phum sóc vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng thật rôm rả, tươi vui. Nhiều ngôi nhà ở thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới được xây dựng, giúp người dân đón nghi lễ truyền thống của dân tộc mình thêm tươm tất.

Ông Trần Diệu ngụ ấp Trà Quýt A, thị Trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết, đây là năm đầu tiên gia đình ông được đón lễ ấm cúng và đầy đủ nhất trong ngôi nhà mới do chính quyền trao tặng. Gia đình nghèo, không có đất sản xuất cho nên ông Diệu phải xa quê đi mưu sinh khắp nơi. Hơn 6 năm làm công cố gắng tích cóp nhưng cũng không đủ tiền xây ngôi nhà đàng hoàng để ở. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ cùng với số tiền dành dụm sau bao năm, ông đã xây được ngôi nhà mới khang trang để gia đình ổn định cuộc sống.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Mẫu cho biết, đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ với 67 mô hình phát triển sản xuất, góp phần đa dạng hóa sinh kế cộng đồng và giảm nghèo bền vững. Ðến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 4.116 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, giảm 6.545 hộ so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2%/năm, trong đó giảm tỷ lệ hộ dân tộc Khmer nghèo 3%/năm. Nhờ việc triển khai hiệu quả các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân. Qua đó, đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy tốt khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội. Riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,54%, GRDP bình quân đầu người là 60,1 triệu đồng/người/năm.

Sự chung tay góp sức của nhiều cấp, ngành và xã hội đã đem đến những hiệu quả tích cực. Mới đây, Bộ Công an đã vận động các nguồn lực hỗ trợ xây 1.300 căn nhà Ðại đoàn kết tặng hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở tỉnh Trà Vinh; trong đó chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Trà Cú là huyện vùng sâu của tỉnh, với dân số hơn 156 nghìn người, đồng bào Khmer chiếm hơn 62%. Giai đoạn 2022-2024, huyện được hỗ trợ nhà Ðại đoàn kết nhiều nhất tỉnh với gần 1.000 căn, kinh phí hơn 45 tỷ đồng.

Cùng gia đình đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, Lễ Oóc Om Bóc năm 2024 trong ngôi nhà mới khang trang trị giá 80 triệu đồng, ông Sơn Nhung, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi rất vui mừng. Cảm ơn Ðảng, Nhà nước, chính quyền xã đã xét hỗ trợ nhà đại đoàn kết".

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết năm 2024, từ nguồn quỹ an sinh xã hội tỉnh, các địa phương triển khai hỗ trợ 1.999 căn nhà Ðại đoàn kết cho hộ khó khăn về nhà ở với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Ðến nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức lễ bàn giao nhà. Nhờ những chính sách hỗ trợ hiệu quả, dự kiến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Trà Vinh giảm 0,3%, tương đương giảm 862 hộ; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm 0,5%, tương đương 451 hộ; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 1%, tương đương 1.724 hộ; thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 93,7 triệu đồng. Ðến nay, 100% xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; phấn đấu hoàn thành xây dựng tỉnh nông thôn mới trước năm 2025.

(Còn nữa)


nhandan.vn