Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên đưa cây chè cổ thành cây di sản quốc gia

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành chè giai đoạn 2025 - 2030. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra là lập hồ sơ trình công nhận cây chè cổ Thái Nguyên là cây di sản Việt Nam; đồng thời xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, kéo dài tuổi thọ các cây chè cổ.

Đoàn khảo sát cây chè cổ thụ ở núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ

Một trong những quần thể cây chè cổ quan trọng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được phát hiện là tại khu vực núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ. Nằm ở độ cao từ 600 m đến 800 m so với mực nước biển, khu vực này hiện có khoảng 30 cây chè cổ thụ, đường kính gốc khoảng 30 - 40 cm, cao từ 25 - 30 m, có tuổi đời lên đến trên 300 năm, được cho là đã tồn tại từ sau thời nhà Mạc (khoảng thế kỷ XVII).

GS.TS Đào Thanh Vân (bên phải ảnh) bên cây chè cổ thụ ở núi Bóng có chu vi gốc khoảng 90 - 100 cm, cao 25 - 30 m tại độ cao 690 m so với mực nước biển

Theo GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên, những cây chè cổ ở núi Bóng có tuổi đời nhỉnh hơn cả các loại chè cổ nổi tiếng đã được công nhận là di sản như: Chè Suối Giàng (Yên Bái), chè Vân Hồ (Sơn La), chè Tủa Chùa (Điện Biên), chè Shan tuyết Hoàng Su Phì (Hà Giang), chè Hoàng Thu Phố (Lào Cai)…

Năm 2024, một số nhà khoa học của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên đã đề xuất và được Hội đồng Khoa học tỉnh Thái Nguyên chính thức thông qua với đề tài "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên".

Rất nhiều hạt chè và cây chè con được tìm thấy tại núi Bóng

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển văn hóa trà mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành liên quan sớm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đăng ký để đưa những cây chè cổ tại núi Bóng, xã Minh Tiến trở thành cây di sản Việt Nam. Từ đó có đầy đủ cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và phát huy giá trị; góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, nét văn hóa dân tộc và nâng cao thương hiệu chè Thái Nguyên trong nước và quốc tế.

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn