Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên: Sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 140 nghìn tấn

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích, sản lượng chè và giá trị sản phẩm trà của Thái Nguyên hiện đang đứng đầu cả nước. Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích chè toàn tỉnh là 22.500 ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 21.100ha; năng suất chè bình quân đạt 127 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 267,5 nghìn tấn (tương đương 53,5 nghìn tấn chè búp khô), đạt giá trị 12.300 tỷ đồng. Sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 140 nghìn tấn, bằng 52% kế hoạch năm.

Thu hái chè ở HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên)

Xác định chè là cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây chè và giá trị sản phẩm trà một cách bền vững. Bên cạnh tập trung mở rộng diện tích chè, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuyển dịch cơ cấu giống trong trồng mới, trồng thay thế bằng các giống có năng suất, chất lượng nâng cao giá trị sản phẩm, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh sản xuất chè an toàn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến. Tính đến hết năm 2023, diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao ước đạt trên 18.400ha, chiếm 82,7% tổng diện tích chè toàn tỉnh.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 80% diện tích chè áp dụng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (chủ yếu tại các vùng sản xuất chè tập trung), trong đó 5.068ha sản xuất an toàn được cấp chứng nhận VietGAP và 80ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.

Mô hình sản xuất chè hữu cơ của HTX chè Thủy Thuật (xã Phúc Trìu, TP .Thái Nguyên)

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ chè an toàn chất lượng đạt 6.500ha; có 45 vùng trồng chè được cấp mã số vùng trồng (25 mã xuất khẩu và 20 mã nội tiêu) được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định; có 151 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3-5 sao.

Thu Hà
Thainguyen.gov.vn