Truy cập nội dung luôn

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà trên tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên

Chiều 9/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì Hội nghị với các sở, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp liên quan, Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam để thảo luận, đề xuất các giải pháp tham mưu phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà trên tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên.

Quang cảnh Hội nghị

Thái Nguyên được mệnh danh là vùng đất “Đệ nhất danh trà”, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ nhiều tài nguyên tự nhiên và văn hóa để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn. Việc phát triển du lịch không thể tách rời khỏi sự phát triển của hệ thống giao thông, trong đó có giao thông đường sắt. Tuyến đường sắt Quán Triều (Thái Nguyên) - Hà Nội có chiều dài 75 km với 11 sân ga, trong đó có 5 ga ở Thái Nguyên. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với việc lượng khách đi tàu hỏa giảm mạnh nên chuyến tàu khách Hà Nội - Thái Nguyên đã phải tạm dừng khai thác. Với mong muốn thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm việc với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển du lịch gắn với văn hóa trà trên tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Trong đó, đề xuất các sản phẩm du lịch đặc thù liên quan đến văn hóa trà và các điểm đến du lịch có khả năng kết nối thông qua tuyến đường sắt; đề xuất các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch dọc theo tuyến đường sắt để tăng cường trải nghiệm của du khách; đánh giá tính khả thi và lộ trình thực hiện, bao gồm các yếu tố về kinh tế - xã hội và môi trường.

Đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam báo cáo về phương án mở lại tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên

Mục tiêu nhằm tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa trà; quảng bá, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu chè Thái Nguyên, qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng chè, thúc đẩy sức tiêu thụ sản phẩm trà. Việc khôi phục lại tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên sẽ góp phần làm đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch, kích cầu, gia tăng lượng khách đến với Thái Nguyên. Việc trải nghiệm du lịch đến Thái Nguyên bằng đường sắt sẽ góp phần quảng bá điểm đến du lịch Thái Nguyên gắn với hình ảnh của đường sắt Việt Nam, tăng kết nối, tạo nên sức hút, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách và Nhân dân.

Đồng chí Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tổng Biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã báo cáo về phương án vận hành chạy lại tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên phục vụ đời sống và gắn với phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng cải thiện chất lượng toa tàu; đầu tư nội thất, trang thiết bị phục vụ khách, thiết kế toa tàu theo hướng tích hợp dịch vụ và có không gian ngắm cảnh. Thiết kế trang trí bên ngoài và không gian bên trong toa tàu với những hình ảnh gắn với cây chè, văn hóa trà, đất và người Thái Nguyên, bản sắc văn hóa, điểm đến của Hà Nội; xây dựng chương trình kích cầu du lịch bằng đường sắt; phối hợp quảng bá du lịch Thái Nguyên trên các phương tiện truyền thông...

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, các công ty du lịch, lữ hành của tỉnh đã đưa ra các giải pháp về việc chuẩn bị các điểm đến thu hút khách du lịch; xây dựng các tour tuyến du lịch hấp dẫn kết hợp với đường sắt để tạo sự cạnh tranh với tuyến giao thông đường bộ; có chính sách thu hút khách; xây dựng các điểm đến thu hút... Các ý kiến đóng góp sẽ được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổng hợp, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để báo cáo UBND tỉnh.

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn