Truy cập nội dung luôn

Ứng xử văn minh khi tham gia du lịch

 
Trong bối cảnh du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, vấn đề ứng xử văn minh khi tham gia du lịch đối với du khách càng trở nên quan trọng. Bởi đây không những là yếu tố giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
 
Công ty TransViet tuyên truyền xây dựng hình ảnh tích cực về một nền du lịch văn minh, ứng xử có văn hóa

Một năm nhìn lại

Cách đây một năm, cuộc tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” được tổ chức tại Hà Nội đã chính thức mở màn cho chiến dịch xây dựng và nâng cao hình ảnh khách du lịch Việt Nam, tạo dựng ý thức và cách ứng xử văn minh ở các điểm đến khi tham quan, du lịch. Hàng loạt địa phương đã hưởng ứng, tung ra những thông điệp riêng nhằm nâng cao nhận thức về ứng xử trong môi trường du lịch. Tiêu biểu như tỉnh Quảng Ninh với cuộc vận động thực hiện “Nụ cười Hạ Long”; TP Đà Nẵng với bộ quy định được cụ thể hóa bằng hình ảnh về “Những điều nên và không nên” khi du lịch; TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Tháp, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... cũng đưa ra những bộ quy tắc ứng xử riêng. Đặc biệt, một số doanh nghiệp lữ hành như TransViet, Viettravel... đã chủ động xây dựng những thông điệp ứng xử văn minh và trực tiếp tuyên truyền, phổ biến tới những du khách sử dụng dịch vụ của mình. Mới đây nhất, ngày 17-3 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch gồm hai chương với 12 điều. Bộ quy tắc mang tới sự hình dung rõ nét về thông điệp được gửi gắm, đó là du lịch văn minh - tự trọng - trách nhiệm. Trong đó, quy định về những điều cần làm, không nên làm khi tham gia du lịch được cụ thể hóa đến nhiều đối tượng như: người Việt Nam du lịch trong nước, ngoài nước; khách nước ngoài tới Việt Nam; các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, điểm mua sắm, tham quan du lịch, cộng đồng dân cư... Những hành vi cơ bản nhất như xếp hàng theo thứ tự, lấy đồ ăn đủ dùng, tuân thủ biển chỉ dẫn... đều được đề cập chi tiết.

Sự hưởng ứng chiến dịch bước đầu đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Theo đánh giá của các hãng lữ hành và đội ngũ hướng dẫn viên, những hành vi phản cảm trong tham gia du lịch của du khách Việt Nam thời gian gần đây đã giảm đáng kể. Phó Giám đốc Công ty lữ hành TransViet Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Nhiều doanh nghiệp du lịch khác chưa dám triển khai vì cho rằng việc nêu ra những vấn đề nên hay không nên trong ứng xử dễ khiến khách hàng phật lòng. Nhưng trong thực tế, chúng tôi nhận thấy khách rất hưởng ứng. Và rõ ràng, họ đã chú ý hơn rất nhiều trong thực hiện các hành vi khi tham gia du lịch. Sự hợp tác của du khách khiến chất lượng các tua du lịch được nâng cao và ngược lại cũng khiến du khách hài lòng hơn”.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Mặc dù, những hành vi và ứng xử thiếu văn hóa có giảm, nhưng không có nghĩa là không còn. Thời gian gần đây vẫn xuất hiện những “hạt sạn” làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam. Đáng nói phải kể tới hành động phản cảm của hai thanh niên khi chụp ảnh khỏa thân trên đỉnh Pha Luông (Sơn La) hay hành vi xả rác bừa bãi của du khách ở quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt); rồi việc ăn mặc hớ hênh của du khách khi đến các điểm du lịch tâm linh; viết, vẽ bậy lên Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (TP Huế)... đã và đang khiến dư luận bức xúc. Trước những sự việc này, nhiều địa phương lại tiếp tục hành động nhằm chấn chỉnh. Đà Nẵng phát các vi-đê-ô clip về ứng xử văn minh du lịch tại nhiều màn hình nơi công cộng. TP Hồ Chí Minh phát hành 150 nghìn bản quy tắc ứng xử. Đà Nẵng, Nha Trang áp dụng dịch vụ cho du khách mượn áo lam, váy quây tại những điểm du lịch tâm linh... Mặc dù vậy, theo các chuyên gia du lịch, những phản ứng mang tính nhỏ lẻ của từng đơn vị sẽ chỉ mang lại hiệu quả theo thời điểm. Để tạo sự chuyển biến sâu sắc về ứng xử cho du khách, cần sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ.

Phó Giám đốc Công ty Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan khẳng định: Việc nâng cao hình ảnh du khách Việt không những giúp xây dựng hình ảnh tích cực cho du lịch Việt Nam mà còn đặc biệt có lợi cho doanh nghiệp lữ hành trong việc khẳng định thương hiệu, uy tín. Nếu du khách thực hiện tốt, tua sẽ được bảo đảm chất lượng, doanh nghiệp không phải giải quyết những sự cố phát sinh, đồng thời mang đến thiện cảm cho những nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, vận chuyển... để họ phục vụ tốt hơn. Bộ quy tắc mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra đã rất chi tiết, đầy đủ nhưng quá dài, cần được cụ thể hóa bằng những thông điệp ngắn gọn và biểu tượng hóa thành những hình ảnh, ký hiệu dễ hiểu, dễ nhớ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch trong tuyên truyền. Ngoài ra, cũng nên thành lập một diễn đàn về văn minh du lịch với sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước và sự góp sức của báo chí truyền thông để các hướng dẫn viên, doanh nghiệp kịp thời phản ánh những hành động tích cực, tiêu cực trong thực hiện văn minh du lịch, từ đó dễ dàng giám sát và chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều đại diện doanh nghiệp du lịch, bộ quy tắc ứng xử vừa ban hành dù sao cũng chỉ mang tính khuyến cáo, định hướng, không bắt buộc phải thực hiện. Vì thế, để nâng cao tính răn đe, một số quy tắc cần được cụ thể hóa bằng các văn bản luật với chế tài xử lý nghiêm minh, rõ ràng. Đây cũng là cách làm của một số nước như Thái-lan, Xin-ga-po... đã mang lại hiệu quả khá tích cực. Đứng trên góc độ giáo dục, chuyên viên Khoa Du lịch Viện đại học Mở Hà Nội Vũ Anh Dân cho rằng: Cần đưa vấn đề nâng cao nhận thức trong ứng xử du lịch vào nội dung học để hình thành nhận thức cho học sinh, sinh viên, nhất là trong các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Ông Dân cũng đề xuất các doanh nghiệp đã phát động và đạt được hiệu quả nhất định trong thay đổi hành vi ứng xử của du khách cần kết hợp với các cơ sở đào tạo để các em có minh chứng thực tiễn tham chiếu và tin tưởng áp dụng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Du lịch Ngô Hoài Chung: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng mang nội dung văn hóa sâu sắc. Do đó, văn minh du lịch chính là tiêu chí đánh giá hình ảnh, vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế. Nếu như năm 2016 được coi là năm của lưu trú (Tổng cục áp dụng hàng loạt biện pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú) thì năm 2017 sẽ là năm của lữ hành. Tổng cục sẽ triển khai mạnh mẽ bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tới nhiều đối tượng để tạo chuyển biến thật sự. Cuộc vận động thay đổi này phải được tiến hành lâu dài, thường xuyên, bền bỉ theo phương châm vừa xây vừa chống, lấy xây là chính; kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp cả vận động, thuyết phục, giáo dục, quản lý nhà nước để tạo sự cộng hưởng, trong đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đi đầu. Thời gian tới, Tổng cục sẽ nghiên cứu để đưa việc triển khai thực hiện văn minh du lịch trở thành một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu, giải thưởng cho các doanh nghiệp du lịch.



 

Nguồn: nhandan.com.vn
Tác giả: Đắc Linh