Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, thực hiện bình đẳng giới

Để đánh giá kết quả hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, và trẻ em”, cũng như tiếp tục phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong thực hiện Dự án 8, góp phần hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và thiểu số, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, thực hiện bình đẳng giới.

MC Thành Chung và các vị khách mời

MC Thành Chung: Thưa quý vị và các bạn! Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, và trẻ em” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được thực hiện tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Nguyên. Với vai trò được giao là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8, trong 2 năm (từ năm 2022 đến nay), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Để đánh giá kết quả hoạt động của Dự án 8, tiếp tục phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong thực hiện Dự án 8, góp phần hoàn thành Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN thời gian tiếp theo, Trung tâm Thông tin tỉnh tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, thực hiện bình đẳng giới. Chương trình có sự tham gia của 2 vị khách mời. Xin trân trọng giới thiệu: Bà Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên và ông Hoàng Văn Chính, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Xin cảm ơn 2 vị khách mời đã tham gia chương trình. Để bắt đầu chương trình, chúng ta hãy cùng xem Clip do chúng tôi thực hiện để thấy được những nỗ lực của Hội LHPN các cấp trong triển khai thực hiện Dự án 8.

 

MC Thành Chung: Chúng ta vừa xem Clip và đã phần nào hình dung được những kết quả bước đầu qua quá trình triển khai thực hiện Dự án 8 của các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên. Thưa bà Thúy, những nội dung chính mà Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án 8 là gì?

Bà Lê Thị Thúy: Dự án 8 được ban hành với 9 chỉ tiêu cốt lõi và nhiều hoạt động can thiệp, tập trung vào 4 nội dung chính, đó là: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH; giám sát và phản biện xã hội; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG.

MC Thành Chung: Thưa ông Hoàng Văn Chính! Với góc độ là cơ quan thường trực triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai thực hiện Dự án 8 của các cấp Hội LHPN trong tỉnh?

Ông Hoàng Văn Chính: Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN với 34 mục tiêu thực hiện được xác định với các chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện 10 dự án thành phần đã tác động trực tiếp, toàn diện đến đời sống vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh. Trong đó, Hội LHPN tỉnh được giao chủ trì thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực, để triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, tôi đánh giá cao vai trò của Hội LHPN tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu thành lập Ban Điều hành thực hiện Dự án 8 tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025. Đã cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, trong đó chú trọng công tác phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ của Dự án 8 với các hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương vừa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Việc triển khai thực hiện Dự án 8 nói riêng và Chương trình MTQG ở vùng DTTS&MN nói chung nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của HĐND - UBND các cấp. Hầu hết các cấp Hội Phụ nữ đã chủ động, nỗ lực thực hiện Dự án 8 và các chỉ tiêu chính của Dự án đã đạt được một số kết quả bước đầu trong bối cảnh vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. Đội ngũ cán bộ được phân công thực hiên Dự án 8 thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng các nội dung chuyên đề trong triển khai thực hiện Dự án. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Dự án 8 kịp thời, chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị. Các hoạt động của Dự án 8 bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi và được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.

MC Thành Chung: Một trong những nội dung quan trọng của Dự án 8 là hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”. Tuy nhiên, để thay đổi được “nếp nghĩ, cách làm” vốn đã ăn sâu vào tiềm thức, suy nghĩ của cộng đồng người DTTS không phải là điều đơn giản. Các cấp Hội LHPN đã làm thế nào để việc truyền thông mang lại kết quả như mục tiêu của Dự án 8, thưa bà Lê Thị Thúy?

Bà Lê Thị Thúy: Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em là một trong 4 nội dung thực hiện Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Trong đó, xây dựng Tổ truyền thông cộng đồng có vai trò nòng cốt trong thực hiện hoạt động này.

Công tác tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” được thực hiện đồng bộ ở các cấp Hội, đội ngũ cán bộ Hội đã tích cực đi cơ sở để khảo sát, nắm chắc địa bàn triển khai, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện sát với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng hội viên, phụ nữ và nhân dân. Trong quá trình xây dựng và nhân rộng các mô hình, các cấp Hội lựa chọn cán bộ thôn/xóm, những người có uy tín, hội viên nòng cốt, người có khả năng tuyên truyền vận động tại cơ sở tham gia mô hình. Trong hoạt động truyền thông, chúng tôi tập trung truyền thông các mô hình, sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, trình độ nhận thức, văn hóa, phong tục tập quán các vùng miền theo phương châm “dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện” để người dân nắm bắt được các nội dung tuyên truyền, giúp người dân tự tin chia sẻ những vấn đề cấp thiết tại địa phương, những vấn đề khó nói trong gia đình và nhà trường.

Có thể thấy, công tác truyền thông về bình đẳng giới đã và đang thấm sâu dần, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các ngành, các cấp, các tổ chức và đông đảo người dân, phụ nữ tại vùng đồng bào DTTS&MN

Giao lưu truyền thông xóa bỏ định kiện về khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở xã Liên Minh, huyện Võ Nhai

MC Thành Chung: Bên cạnh công tác truyền thông, để thay đổi được “nếp nghĩ, cách làm”, thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng người DTTS&MN, vùng cao, theo ông Hoàng Văn Chính chúng ta cần tập trung thực hiện những công việc gì nữa?

Ông Hoàng Văn Chính: Trước hết cần có sự quan tâm vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS&MN. Chú trọng phát huy vai trò của  già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người DTTS&MN, vùng cao; các cấp hội cần xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

Hội LHPN tỉnh, huyện chủ động rà soát, tiến hành lựa chọn, hướng dẫn các cơ sở Hội đăng ký mô hình đủ điều kiện tại địa phương, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ về mô hình tổ/nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường. Các cấp Hội xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu cụ thể thực hiện tại cấp tỉnh và các cấp Hội; đồng thời, rà soát các mô hình địa chỉ tin cậy đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; thành lập mới và củng cố mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, trao tặng các vật dụng thiết yếu và hỗ trợ kinh phí cho các mô hình do cấp tỉnh, huyện chủ trì thành lập; tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn quản lý, vận hành “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” cho thành viên trong Ban quản lý mô hình. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; các cấp Hội tổ chức các lớp tập huấn về: Phổ biến sổ tay hướng dẫn tổ chức đối thoại chính sách; hướng dẫn cách thức thành lập, vận hành hoạt động và quản lý Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho người là cán bộ nữ DTTS trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị cấp huyện và cấp xã nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia ứng cử, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử.

Một buổi sinh hoạt CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi ở Trường THCS xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình

MC Thành Chung: Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới là nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo việc làm, thu nhập ổn định, giúp họ làm chủ cuộc sống của mình. Hội LHPN đã thực hiện nội dung này như thế nào, xin mời bà Lê Thị Thúy chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?  

Bà Lê Thị Thúy: Chúng tôi đã thực hiện tốt những hoạt động để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bằng nhiều nội dung như: Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực, kiến thức cho phụ nữ để chị em mạnh dạn tự tin phát triển kinh tế thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn về quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật, quản trị kinh doanh, khởi nghiệp… Quan tâm đến phụ nữ là chủ các mô hình kinh doanh, chủ dự án, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT)… Chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng liên quan hướng dẫn chị em mạnh dạn mở rộng quy mô phát triển kinh tế, thành lập các THT, HTX để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư và rèn luyện kỹ năng quản lý kinh tế. Từ đó khẳng định vị thế của phụ nữ trong tham gia phát triển KT-XH của địa phương.

Đặc biệt, Hội chúng tôi đã tập trung hỗ trợ các chị em phụ nữ là chủ các mô hình kinh tế, HTX, THT ứng dụng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế, vận động tập trung sản xuất an toàn, thân thiện môi trường, quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Chúng tôi đã hỗ trợ nguồn lực về vốn để mở rộng sản xuất (như tín chấp vay vốn các ngân hàng, với các tổ chức tín dụng, khai thác chương trình của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước…). Đặc biệt là hỗ trợ tư vấn, giới thiệu và đào tạo nghề cho chị em để tạo thu nhập ổn định, bền vững giúp chị em làm chủ trong việc phát triển kinh tế gia đình.

Hội viên phụ nữ xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai giao lưu truyền thông xóa bỏ định kiện về khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS được chúng tôi triển khai với đa dạng hình thức nội dung. Trong quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia, các kênh kết nối sẵn có để hỗ trợ hiệu quả các mô hình ứng dụng KHCN. Có thể thấy, các hoạt động cụ thể, thiết thực mà các cấp Hội đã làm trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho chị em phụ nữ.

MC Thành Chung: Trong câu chuyện chúng ta vừa chia sẻ có thể thấy đã có một số mô hình sinh kế được hỗ trợ, giúp phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống. Tuy nhiên, các mô hình còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm… Theo ông Hoàng Văn Chính, có những nội dung, hoạt động của Dự án thành phần nào có thể giúp phụ nữ và người dân vùng đồng bào DTTS&MN giải quyết được những khó khăn trên?

Ông Hoàng Văn Chính: Mặc dù đã có một số mô hình sinh kế được hỗ trợ trong Dự án 8 đã giúp phụ nữ vùng đồng bào DTTS&MN vươn lên làm chủ cuộc sống. Tuy nhiên các mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm... Chúng tôi cho rằng Hội LHPN tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước hiện đang triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN như (Ban Dân tộc; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Công Thương; Liên minh HTX tỉnh) để chọn cử đối tượng là phụ nữ DTTS tham gia vào các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS&MN, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là với lao động nữ vùng đồng bào DTTS.

MC Thành Chung: Trong Kế hoạch thực hiện Dự án 8, giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh Thái Nguyên có đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh tổ chức được 88 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản. Đến thời điểm hiện tại, chỉ tiêu này được thực hiện như thế nào, thưa bà Lê Thị Thúy?

Bà Lê Thị Thúy: Thực hiện Dự án 8, giai đoạn 2021 - 2025, với chỉ tiêu tổ chức 88 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản, trong 2 năm (2023 và 2025), Hội LHPN tỉnh đã bám sát các văn bản, tài liệu hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chủ động tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn đối thoại chính sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Hội LHPN cấp huyện và cấp cơ sở theo tài liệu hướng dẫn do Trung ương Hội LHPN ban hành để thống nhất trong triển khai thực hiện.

Tính đến hết năm 2023, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức được 36 hội nghị đối thoại chính sách với gần 3.300 người tham dự. Trong đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ Hội LHPN các xã tổ chức được 10 hội nghị đối thoại tại 5 huyện thực hiện Dự án. Trong năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức 52 cuộc đối thoại để hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch giai đoạn I của tỉnh.

MC Thành Chung: “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, một mô hình hoạt động khá mới mẻ trong đó tiếng nói của trẻ em đặc biệt là trẻ em gái được đề cao. Có gì sáng tạo trong tổ chức hoạt động của các mô hình này và hiệu quả của mô hình là như thế nào, thưa bà Lê Thị Thúy?

Bà Lê Thị Thúy: Mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một cách làm mới, có sự tiếp cận tổng thể, lấy trẻ em làm trung tâm; đồng thời phát huy năng lực của trẻ em, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, cơ quan báo chí, truyền thông và cộng đồng trong thực hiện công tác bình đẳng giới. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 37 Câu lạc bộ với 968 trẻ em tham gia (380 nam, 588 nữ), hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn I.

Trong quá trình tham gia mô hình Câu lạc bộ, các em được cung cấp, trang bị kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, các kỹ năng bảo vệ bản thân để giúp trẻ em tự bảo vệ  mình và giải quyết được những vấn đề liên quan đến bản thân; đồng thời giúp trẻ tiên phong thay đổi bản thân mình, lên tiếng và truyền thông về quyền, bổn phận của trẻ. Khi vận hành mô hình, trẻ em là thành viên Câu lạc bộ có vai trò nòng cốt, là cầu nối giữa các thành viên trong nhà trường, giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể có liên quan trong cộng đồng để thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Cùng với việc Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt định kỳ, các cấp Hội đã huy động các nguồn lực, kết nối tổ chức các chương trình tập huấn, diễn đàn, tọa đàm giao lưu, lắng nghe trẻ em nói… tạo điều kiện để trẻ em nêu lên chính kiến của mình và các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, thể hiện suy nghĩ, quan điểm riêng và những ý kiến, nguyện vọng để chính quyền các cấp, các ngành liên quan, các thầy cô giáo, cha mẹ, gia đình tạo môi trường và điều kiện tốt nhất để phát huy tinh thần trẻ em cùng tham gia giải quyết tất cả những vấn đề liên quan từ góc nhìn và bổn phận của trẻ em.

Thông qua các hoạt động của mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và các hoạt động hỗ trợ của nhà trường, của ngành Giáo dục và Đào tạo, Hội LHPN các cấp đã tạo sự gắn kết giữa trẻ em, nhà trường, gia đình, xã hội và huy động được sự tham gia của trẻ em, cha mẹ trẻ, giáo viên nhà trường, các đoàn thể và các ngành liên quan cùng chung tay thực hiện bình đẳng giới, đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ, trẻ em trong phát triển KT-XH của cộng đồng.

MC Thành Chung: Thưa ông Hoàng Văn Chính, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng là một nội dung thực hiện Dự án 8. Theo ông, hoạt động này có tác động như thế nào đối với cộng đồng bà con DTTS&MN?

Ông Hoàng Văn Chính: Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong cộng đồng người DTTS&MN. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh, huyện đã tập trung tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn tới các địa phương, về các nội dung: Bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ cấp huyện, xã và trưởng thôn/xóm, người có uy tín tại cộng đồng. Các cấp Hội đã tổ chức 37 lớp tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã theo chương trình 2, chương trình 3 của Dự án 8 cho 2.160 lượt người tham gia; phát hành 126 cuốn tài liệu tập huấn phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam biên soạn.

Kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp diện mạo vùng đồng bào DTTS& MN có bước phát triển khá toàn diện; thúc đẩy toàn diện kết cấu hạ tầng KT-XH; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất của trường lớp học, trạm y tế được quan tâm đầu tư, công tác chăm sóc y tế, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Qua đó, giúp đồng bào các DTTS phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH và xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, thịnh vượng.

MC Thành Chung: Với những nội dung mà hai vị khách mời đã chia sẻ, có thể thấy sự nỗ lực của các cấp Hội LHPN trong quá trình triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu mà Dự án 8 đã đề ra. Vậy bài học rút ra sau quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu của Dự án 8 là gì và những định hướng, giải pháp của các cấp Hội trong thời gian tới để hoàn thành mục tiêu Dự án giai đoạn 1 là gì thưa bà Lê Thị Thúy?

Bà Lê Thị Thúy: Quá trình triển khai thực hiện Dự án 8 thời gian qua, chúng tôi rút ra 4 bài học kinh nghiệm sau:

Một là, cơ quan chủ trì đã chủ động, kịp thời chuẩn bị công tác triển khai Dự án 8 trong năm đầu thực hiện; đã ban hành kịp thời, đầy đủ văn bản hướng dẫn, kế hoạch định hướng hoạt động cho cả giai đoạn và hàng năm.

Hai là, công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện có sự thống nhất, kịp thời, rõ nhiệm vụ cho từng cấp, từng ngành liên quan trong tham gia thực hiện Dự án 8; cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở các cấp trong triển khai dự án được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ (như việc tham gia xây dựng và góp ý các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình, đề xuất phân bổ vốn thực hiện Dự án giai đoạn, hàng năm và hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án tại địa phương...).

Ba là, tại các địa phương, có sự quan tâm, vào cuộc chỉ đạo sát sao của UBND các cấp, sự phối hợp trách nhiệm, nghiêm túc khẩn trương của các ngành liên quan đã góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án 8 hàng năm, đảm bảo mục tiêu, tiến độ đề ra.

Bốn là, Công tác kiểm tra, giám sát, cập nhật tình hình thực hiện Dự án 8 được thực hiện thường xuyên tại các cấp và có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những vướng mắc/khó khăn cho địa phương.

Về định hướng, giải pháp của các cấp Hội trong thời gian tới:

Thứ nhất, các cấp Hội LHPN trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt hơn nữa về công tác tham mưu đối với Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, Ban Điều hành Dự án 8 để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 1.

Thứ hai, cần tăng cường công tác phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các ngành, đoàn thể liên quan trong việc triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động của Dự án 8 ở các cấp, với các hình thức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế và chức năng của từng ngành cụ thể.

Thứ ba, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động phụ nữ và người dân tham gia thực hiện Dự án. Tích cực đi cơ sở để nắm tình hình, phát hiện các vấn đề bất bình đẳng giới, những hủ tục lạc hậu có hại để có giải pháp thực hiện tuyên truyền thay đổi hành vi, nếp nghĩ lạc hậu, hướng đến cách làm hay, tiến bộ bằng nhiều hình thức đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, sở thích, lứa tuổi và tình hình thực tế tại các địa phương.

Thứ tư, cần đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm vận hành các mô hình cốt lõi của Dự án 8; các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong phát triển KT-XH tại địa phương; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị...

MC Thành Chung: Thưa quý vị và các bạn! Đây là lần đầu tiên, trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ, trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của Hội LHPN các cấp, chắc chắn Dự án sẽ mang lại nhiều thay đổi trong tư duy, hành động của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em miền núi, vùng cao.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.

Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

 


thainguyen.gov.vn