Truy cập nội dung luôn

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất và công nghệ cao

Sáng ngày 20/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 28 địa phương về tình hình hoạt động, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp phục hồi hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và đại diện một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 8/2021, cả nước có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động; 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập. Trong 08 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 860 dự án đầu tư mới trong và ngoài nước và 670 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD và 154,1 nghìn tỷ đồng (tăng trên 7,2% so với cùng kỳ năm 2020). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2020; tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp, tăng 90 nghìn lao động so với cuối năm 2020.

Ngoài ra, trên cả nước có 03 khu công nghệ cao được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích khoảng 3.000 ha; 968 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 30.900 ha. Trong số các cụm công nghiệp được thành lập, có 730 cụm đã hoạt động với tổng diện tích trên 22.300 ha, thu hút khoảng 13.500 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy bình quân 63%, tạo việc làm cho trên 580 nghìn lao động. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã có nhiều sáng kiến vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh như: Áp dụng giờ làm linh hoạt; tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”… Do đó, tại thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, các khu, cụm này đã ổn định sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.395 ha, trong đó 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 61%. Hiện có 262 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực trong khu công nghiệp, trong đó có 130 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 8.905 triệu USD và 132 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 17.485 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh có 35 cụm công nghiệp đã được quy hoạch, trong đó 18 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập với tổng diện tích 723 ha, thu hút được 64 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 44%. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị nhất là khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực hiện quyết liệt và đồng bộ “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, qua đó đã kiểm soát tốt và hạn chế thấp nhất tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn.

 Đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên một số vấn đề khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, như: Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy nên một số doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu dịch kéo dài có thể bị mất thị trường; hướng dẫn phòng, chống dịch chưa hợp lý, hiệu quả hoặc áp dụng cứng nhắc ở một số địa phương đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, điều này gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn, cấp Giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất...

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị: Chính phủ tiếp tục phân bổ và đẩy nhanh việc tiêm đủ liều vắc xin cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp; tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các gói hỗ trợ đã được ban hành cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021; bổ sung, điều chỉnh các chính sách mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và 2022, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm, hoãn, khoanh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT; hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp thông qua cấp bù chênh lệch lãi suất vay ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước; tiếp tục cắt giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp như: Giảm tiền điện, nước, cước viễn thông, mức phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, tạo thuận lợi tối đa và rút ngắn thời gian thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; rút ngắn thời gian quy trình nhập cảnh cho chuyên gia, người lao động nước ngoài, nhất là những người đã tiêm đủ liều vắc xin... Qua cầu truyền hình trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT) kiến nghị: Chính phủ sớm đưa ra mô hình sản xuất mới đáp ứng tình hình dịch bệnh hiện nay, thay thế phương án “3 tại chỗ” do chi phí vận hành cao; tiếp tục quan tâm, phân bổ vắc xin phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động trong các khu công nghiệp, trong đó có Công ty SEVT; có cơ chế cho phép người lao động của Công ty đã được tiêm vắc xin mũi 2, hàng ngày được di chuyển đi làm từ nhà (trong vùng xanh) tới Công ty bằng hệ thống xe buýt do Công ty bố trí. Công ty cũng đề xuất được chủ động tiến hành xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên 20% các đối tượng này trung bình 1 tuần/1 lần, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính trong chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, Chính phủ đã sớm xác định các giải pháp phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến nền kinh tế và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phục hồi sản xuất là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía doanh nghiệp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Trong đó, phải xác định chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh là các doanh nghiệp; còn trung tâm đầu mối tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố, chính quyền các địa phương. Với trọng trách này, các doanh nghiệp tùy tình hình từng địa phương, địa bàn chủ động có phương án phục hồi sản xuất, đồng thời có giải pháp giãn cách, kiểm soát F0; các địa phương sớm tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để cùng trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đề nghị, Bộ Y tế trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 phân bổ vắc xin hợp lý, ưu tiên các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế; Bộ Giao thông vận tải có phương án đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, tránh ách tắc, ùn ứ hàng hóa. Đối với kiến nghị của các địa phương về mở rộng, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, tổng hợp và tham mưu cho Chính phủ giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Kim oanh
thainguyen.gov.vn