Truy cập nội dung luôn

Khai mạc Kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất HĐND tỉnh khóa XIII


Sáng 27/10, tại Hội trường UBND tỉnh đã khai mạc trọng thể Kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất HĐND tỉnh khóa XIII.

Dự khai mạc kỳ họp có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cùng 70/73 đại biểu HĐND tỉnh.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu, thảo luận về 5 Tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình để đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian và kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương vào điều kiện thực tế của địa phương. Bao gồm: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên gồm 09 dự án thành phần; Điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng du lịch khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; Thông qua Đề án xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2022; Thông qua quy định mức chi bảo đảm cho công tác cải cách hành chính nhà nước; mức công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên và mức chi, mức hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
 

 Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất, HĐND tỉnh khóa III được tổ chức trong thời điểm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Những nội dung kỳ họp này hết sức quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Các nội dung của kỳ họp đã được các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu, thẩm tra và báo cáo tại kỳ họp theo quy định. Đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của Trung ương, tình hình thực tế của địa phương, tính khả thi, tính hiệu quả của từng nghị quyết để có quyết định đúng đắn, đảm bảo các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp đúng luật, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.
Về nội dung Tờ trình đề nghị thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên gồm 09 dự án thành phần. Ngày 12/8/2016, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 17/NQ-HĐND về chủ trương đề xuất Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên. Dự án có tổng mức đầu tư 9.811,6 tỷ đồng thuộc Nhóm A, thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Để phù hợp điều kiện thực tế và đảm bảo quá trình thẩm định, phê duyệt đáp ứng yêu cầu tiến độ, thuận lợi, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đồng ý chủ trương chuyển Dự án thành Đề án. Mặt khác, dự án liên quan đến quy hoạch đê điều, quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên và điều chỉnh địa giới hành chính. Sau khi có các quy hoạch trên, cần phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung dự án để đảm bảo phù hợp với quy hoạch và theo quy định.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên gồm 09 dự án thành phần, gồm: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Hữu và đê bờ Tả sông Cầu đoạn qua T.P Thái Nguyên (2 dự án); Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê 2 bên bờ suối Mo Linh đoạn qua T.P Thái Nguyên; Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê 2 bên sông và xây dựng 3 bến thuyền; xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu; Nạo vét mở rộng lòng sông đoạn từ cầu Cao Ngạn đến đập Thác Huống; Xây dựng mở rộng đập Thác Huống và xây đập dâng Quang Vinh; xây dựng 6 cầu (Quang Vinh, Quang Vinh 2, Xuân Hoà, Huống Thượng, Bến Oánh, Mo Linh) và nâng cấp, sửa chữa cầu Gia Bẩy.


Chủ tọa Kỳ họp

Về Tờ trình điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng du lịch khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ngày 24/3/2016, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 107/NQ-HĐND Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án: Xây dựng hạ tầng du lịch Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa với tổng mức đầu tư 9.980 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách Trung ương hết sức khó khăn. Do vậy, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua chủ trương điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng hạ tầng du lịch Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, như sau: Điều chỉnh giảm quy mô, nguồn vốn dự án; chuyển một số hạng mục ra khỏi danh mục đầu tư của dự án. Đồng thời đề nghị thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BT một số hạng mục.

Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Tờ trình điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng du lịch khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyê

Về Tờ trình Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Căn cứ Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, khả năng tài chính và đặc điểm tình hình của địa phương, xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước cho các ngành, các cấp của địa phương báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định”.
Theo nội dung Tờ trình, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua quy định: Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng cân đối ngân sách, các địa phương bố trí vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo mục tiêu kế hoạch hằng năm và 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó, ưu tiên vốn bố trí thêm nguồn vốn cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy định tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương: Hằng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng 15% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình. Trong đó cấp huyện đối ứng 50%; ngân sách tỉnh cân đối hỗ trợ 50%.
Ngoài các Tờ trình trên, UBND tỉnh cũng đã trình HĐND tỉnh Tờ trình Đề án xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 – 2022 và Tờ trình quy định mức chi bảo đảm cho công tác cải cách hành chính nhà nước; mức công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên và mức chi, mức hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
 

Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo Kỳ họp

Phát biểu tại Kỳ họp, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Nội dung, chương trình của kỳ họp chuyên đề lần này, có rất nhiều nội dung quan trọng, có liên quan trực tiếp đến những chủ trương, định hướng lớn của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình thảo luận, xem xét và quyết định, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đến một số vấn đề: Đối với dự án Xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa và dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ Sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên. Đây là những dự án có quy mô lớn và sức lan tỏa cao, được cán bộ và nhân dân đồng tình, ủng hộ, tiên lượng sau khi dự án hoàn thành, sẽ có những tác động rất lớn đến sự phát triển của tỉnh, không những trước mắt và còn cả về lâu dài trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện còn gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, hình thức đầu tư, quy mô và nguồn vốn. Song, hiện nay, thành phố Thái Nguyên đã được điều chỉnh mở rộng về địa giới hành chính và quy hoạch tổng thể, quy hoạch đê điều. Do vậy, những dự án này cần phải được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật hiện hành. Đây chính là lý do của dự án cần phải được trình với HĐND tỉnh tiếp tục xem xét, cho ý kiến quyết định để tổ chức thực hiện. Với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chúng ta kiên quyết khắc phục những khó khăn trở ngại, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thành công các dự án trên một cách linh hoạt, sáng tạo, trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét và cho ý kiến về việc thông qua các quy định, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn và mức chi đối với một số nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội. Đối với những nội dung này, đồng chí Bí thư đề nghị HĐND tỉnh tập trung thảo luận, nhằm làm rõ hơn về nguyên tắc phân bổ, điều kiện, tiêu chí, và thứ tự ưu tiên, tỷ lệ vốn đối ứng và hình thức hỗ trợ. Đối với việc xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn, đồng chí đề nghị HĐND tỉnh tập trung thảo luận và thống nhất về các nhiệm vụ và giải pháp, để củng cố kiện toàn lực lượng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Tiếp tục chương trình làm việc buổi sáng, ngay sau báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã chia các tổ thảo luận.
Tại 4 tổ thảo luận, các đại biểu tập trung các ý kiến về 5 Tờ trình, dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình:
Về Tờ trình, dự thảo Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Một số đại biểu cho rằng tỷ lệ ngân sách cấp huyện đối ứng 50% là cao, đặc biệt là với những huyện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao như Võ Nhai, Định Hóa, đề nghị tăng tỷ lệ ngân sách tỉnh hỗ trợ lên. Xem xét bổ sung thêm tiêu chí về đất đai và đơn vị hành chính đối với Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương.

Về Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên gồm 09 dự án thành phần và Tờ trình, dự thảo Nghị quyết điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng du lịch khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên: Các đại biểu đánh giá đây là những dự án lớn, quan trọng, việc thực hiện sẽ có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên việc thực hiện cần có lộ trình, bước đi phù hợp, quá trình triển khai cần đảm bảo đầy đủ tính pháp lý. Đề nghị không quy định chi tiết vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào từng dự án thành phần cụ thể để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong quá trình thực hiện; HĐND tỉnh chỉ thông qua về chủ trương, nguồn vốn tổng thể của dự án, còn nguồn vốn thực hiện những dự án thành phần giao cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đề nghị làm rõ nguồn vốn ngân sách phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án hoàn vốn BT; các cơ quan tham mưu tính kỹ khả năng đảm bảo nguồn vốn cho các dự án này, nhất là nguồn vốn Trung ương.

Về Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 – 2022: Các đại biểu cho rằng, hiện nay, tỉnh đã có lực lượng phòng cháy chữa và chữa cháy chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tại các xóm, tổ dân phố đều đã có lực lượng dân quân tự vệ và bảo vệ dân phố có thể huy động làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ… Vì vậy, nếu thành lập thêm các đội dân phòng chỉ để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các địa phương có thể sẽ khiến cho bộ máy hành chính ở cơ sở thêm cồng kềnh; trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh và các địa phương còn hạn hẹp thì việc thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng này sẽ rất khó khăn. Tỉnh nên triển khai thí điểm Đề án này tại một vài địa phương trước khi cho nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh để đảm bảo tính khả thi.

Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ tỷ lệ bố trí kinh phí thực hiện Đề án ở từng cấp ngân sách vì các xã không có nguồn kinh phí để duy trì, đảm bảo hoạt động thường xuyên. Đề nghị việc thực hiện phụ cấp cho Đội trưởng, đội phó dân phòng ở các xóm, tổ dân phố cần hợp lý, công bằng với các chức danh khác ở xóm, tổ dân phố. Việc thực hiện các chức danh ở xóm, tổ dân phố nên theo hướng kiêm nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gọn nhẹ bộ máy.

Về Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thông qua quy định mức chi bảo đảm cho công tác cải cách hành chính nhà nước; mức công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên và mức chi, mức hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020:  Về quy định mức chi bảo đảm cho công tác cải cách hành chính Nhà nước; mức công tác phí, chi hội nghị: Các đại biểu nhất trí với mức chi do UBND tỉnh trình. Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020: Cần có quy định và xác định chặt chẽ hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo được hưởng hỗ trợ đúng đối tượng.


Nguồn: thainguyen.gov.vn
Tác giả: Nhóm PV