Truy cập nội dung luôn

Hội thảo Công bố nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" được bảo hộ tại Hoa Kỳ

Ngày 20-4, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Công bố nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" được bảo hộ tại Hoa Kỳ. Dự hội thảo có đại diện Cục Sở hữu trí tuệ; Hiệp hội chè Việt Nam; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị, hiệp hội, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè Thái Nguyên.

 

Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN Thái Nguyên trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" tại Hoa Kỳ cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh, đảm bảo xuất xứ, chất lượng của sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường cũng như ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, năm 2006, UBND tỉnh đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Năm 2016, nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Cùng với nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên", nhiều sản phẩm của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: Chỉ dẫn địa lý "Chè Tân Cương"; các nhãn hiệu tập thể "Chè La Bằng", "Chè Trại Cài", "Chè vô Tranh".

 

Khi thương hiệu được công nhận, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động trong việc quản lý và khai thác các nhãn hiệu tập thể nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá và phát triển "Chè Thái Nguyên" trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng, đây là cơ hội để chè Thái Nguyên vươn xa ra thị trường nước ngoài nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức về sở hữu trí tuệ. Trước thực tế đó, năm 2014, UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại 3 quốc và, vùng lãnh thổ (Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan). Sau quá trình thẩm định, tháng 2/2016, Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ đã cấp Văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên". Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" tại Hoa Kỳ là điều kiện để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên ở thị trường nước ngoài, đồng thời hạn chế nguy cơ bị chiếm mất nhãn hiệu tại thị trường Quốc tế. Từ đó, tạo ra những cơ hội và lợi ích cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu chè Thái Nguyên.

Sau khi công bố nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" được bảo hộ tại Hoa Kỳ, được sự ủy quyền của UBND tỉnh, đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN Thái Nguyên đã trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" tại Hoa Kỳ cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên (đơn vị được UBND tỉnh giao là Chủ sở hữu). Cũng tại Hội thảo Công bố nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên", đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội chè Việt Nam, Hiệp hội chè Thái Nguyên, một số sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè Thái Nguyên đã có những chia sẻ, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực của các đơn vị sản xuất chè để tiếp cận và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước Mỹ.

Ông Nguyễn Kim Tuấn, Công ty CP Ntea Việt Nam, Giám đốc Chi nhánh tại Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất chè hữu cơ cũng như những giải pháp tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại

Sau khi công bố nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" được bảo hộ tại Hoa Kỳ, được sự ủy quyền của UBND tỉnh, đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN Thái Nguyên đã trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" tại Hoa Kỳ cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên (đơn vị được UBND tỉnh giao là Chủ sở hữu). Cũng tại Hội thảo Công bố nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên", đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội chè Việt Nam, Hiệp hội chè Thái Nguyên, một số sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè Thái Nguyên đã có những chia sẻ, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực của các đơn vị sản xuất chè để tiếp cận và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước Mỹ.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam chia sẻ một số chiến lược, giải pháp nhằm tạo dựng được hình ảnh, thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên ở những thị trường lớn và khó tính

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam khẳng định: Khi nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký, bảo hộ tại Hoa kỳ - là nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên, là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp của địa phương. Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam chia sẻ, yếu tố doanh nghiệp sẽ là chất xúc tác để tác động đến ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến chè. Từ đó mới có thể đạt được sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường Quốc tế, nhất là những thị trường khó tính, có sự kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn như Mỹ. Để người nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu chè Thái Nguyên tiếp cận được thị trường lớn và khó tính cần có sự hỗ trợ của tổ chức có chuyên môn nghiệp vụ, của các chuyên gia thiết kế lập các dự án về chè. Từ đó, chứng minh với người nông dân về lợi ích khi tham gia vào hợp tác xã, vào liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị trong nước, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng như tại thị trường Mỹ. Hiện nay, Nhà nước đã có sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, nhưng về khoa học quản lý, nghiên cứu tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất chưa được quan tâm. Vì vậy, chúng ta cần có các công trình nghiên cứu, chuyên gia tiếp cận về vấn đề này, cầm tay chỉ việc,... Cùng với Nhà nước, Hiệp hội chè Việt Nam và Hiệp hội chè của tỉnh thì rất cần có sự vào cuộc tích cực hơn của cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên mới có thể phát huy được nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, mới tạo dựng được hình ảnh, thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là chinh phục và cạnh tranh được ở những thị trường lớn và khó tính như Mỹ.

 

Nguồn: thainguyen.gov.vn
Tác giả: Trần Nhung - Thanh Hiếu