Chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
2024-10-12 15:37:00.0
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Đồng chí Nguyễn Huy Dung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì chương trình tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của CĐS, không để ai bị bỏ lại phía sau trong CĐS.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, ngày 24/02/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 425/QĐ-UBND lấy ngày 31/12 hằng năm là ngày CĐS tỉnh Thái Nguyên. Với quyết tâm cao trong lãnh đạo chỉ đạo và điều hành, cùng với cả nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS đồng bộ trên toàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp và phát triển đô thị thông minh, hiện đại, tiến gần đến các mục tiêu xây dựng Thái Nguyên thành tỉnh điển hình CĐS.
Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tại chương trình, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được về CĐS quốc gia năm 2024, nhất là về kinh tế số; đề xuất các định hướng chiến lược, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về CĐS, phát triển kinh tế số trong thời gian tới. Tham luận tại chương trình, đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện CĐS đã thông tin về những kết quả trong ứng dụng CĐS vào các lĩnh vực như: Giải pháp CĐS ngành Dệt may; ứng dụng CĐS trong nông nghiệp thông minh; giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị, giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất và lợi thế cạnh tranh... Đại diện một số Tổ công nghệ số cộng đồng của một số các tỉnh, thành phố cũng đã tham luận chia sẻ về việc đẩy mạnh thực hiện CĐS góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân tại địa phương…
Cũng tại chương trình, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia Tọa đàm về "Thúc đẩy CĐS quốc gia lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm".
Thủ tướng Chính phú Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.( Ảnh: Chinhphu.vn)
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là hoạt động rất hiệu quả của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, truyền cảm hứng, tạo động lực để làm tốt hơn, góp phần quan trọng vào công cuộc CĐS quốc gia. Thủ tướng nêu rõ, CĐS là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, CĐS góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ môi trường cho tham nhũng, tiêu cực, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nền kinh tế. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau, với tinh thần "không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền/ đào núi và lấp biển/ quyết chí ắt làm nên" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số, nâng cấp nền kinh tế số, thúc đẩy CĐS một cách thần tốc, hiệu quả, có tính bứt phá toàn diện hơn, thực hiện "mục tiêu kép" là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mạnh, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
thainguyen.gov.vn