Truy cập nội dung luôn

Quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng

Sáng 16/11, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định, hướng dẫn mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong cả nước.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Ban Tổ chức Trung ương

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thường trực 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo ban tổ chức các đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu một số nội dung cốt lõi trong Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 4/10/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị” (Quy định số 124); Quy định số 125-QĐ/TW, ngày 10/10/2023 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập” (Quy định số 125); Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW, ngày 10-11-2023 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu nội dung một số văn bản mới của Trung ương

 

Theo đó, Quy định số 124 ( thay thế Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8/3/2018), gồm có 4 chương, 19 điều, giảm 1 điều so với Quy định số 132 và có nhiều điểm mới. Cụ thể, Quy định số 124 nêu rõ đối tượng kiểm điểm gồm cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, cá nhân; nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, giải pháp, thời gian khắc phục; cách thức kiểm điểm; trách nhiệm, thẩm quyền trong kiểm điểm; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi có dấu hiệu vi phạm, để xảy ra những vấn đề bức xúc, phức tạp, dư luận quan tâm, có tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý bị kỷ luật, khởi tố, trì trệ, yếu kém, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao…

Quy định số 124 bổ sung đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên tại chi bộ, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở nơi giữ chức vụ cao nhất; cấp ủy ở cấp nào thì thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp đó. Cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng tập thể, cá nhân được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

 

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, năm 2018, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm đối với các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, góp phần đưa công tác cán bộ đi vào nền nếp, hiệu quả, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng nhận thấy tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình chưa cao, việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên một số nơi chưa thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, còn cảm tính, nể nang và hình thức.

Chính vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, trong đó có Quy định số 124 nhằm khắc phục những hạn chế đã chỉ ra sau khi thực hiện Quy định số 132.

Về phạm vi, đối tượng áp dụng, Quy định số 124 xác định rõ dành riêng cho cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân trong hệ thống Đảng; còn hệ thống Nhà nước thì theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai yêu cầu, khi triển khai Quy định số 124 cần tiếp tục nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, tự soi, tự sửa, phải chủ động ngăn ngừa sai phạm, vi phạm, không để hậu quả xảy ra rồi mới giải quyết; nâng cao tính thực chất trong công tác đánh giá, tự phê bình, phê bình; kiểm điểm, đánh giá, xếp loại phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đúng thẩm quyền, trách nhiệm; chú trọng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, phương pháp lãnh đạo, quản lý, kết quả, sản phẩm cụ thể, năng lực, hiệu quả công việc.

Đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức nghiên cứu quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định, hướng dẫn. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, các địa phương, đơn vị cần kịp thời cụ thể hóa, triển khai đảm bảo sát thực tiễn, đúng quy định.

Quá trình triển khai có vướng mắc, khó khăn và vấn đề thực tiễn phát sinh, các đơn vị cần báo cáo, phản hồi để Ban Tổ chức Trung ương kịp thời tổng hợp, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền.

 

 


nhandan.vn