Truy cập nội dung luôn

Kỳ vọng rất nhiều vào quyết định của hội nghị Trung ương

Hội nghị Trung ương lần thứ Tám đã chính thức khai mạc vào sáng qua, 2.10. Người dân và doanh nghiệp chờ đợi rất nhiều, bởi nhiều nội dung quan trọng được Trung ương đưa ra thảo luận, xem xét, quyết định ở hội nghị lần này.

Toàn cảnh Hội nghị TW8

Trong 1 tuần làm việc, Trung ương sẽ bàn và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026. Đây là nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất quan tâm bởi liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế, đến sự phát triển của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động.

Trải qua đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, tăng trưởng giảm sút. Dù vậy, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng đã giúp nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, có những mặt còn trở nên nghiêm trọng hơn so với năm trước, cuối năm còn khó khăn hơn đầu năm. Một trong những biểu hiện của những thách thức đó là tình hình “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

Nhận định về khó khăn của nền kinh tế vào những tháng cuối năm cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ trong phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 mới đây. Theo đó, từ quý IV.2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 là khoảng 6,5% theo Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp.

Để khắc phục được tình trạng “giảm tốc”, nền kinh tế có sự hồi phục và phát triển bền vững, rất cần có những giải pháp hữu hiệu. Vấn đề quan trọng này sẽ được Trung ương tập trung thảo luận ở hội nghị lần thứ Tám. Hơn bao giờ hết, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các đại biểu dự hội nghị ngoài đánh giá những “điểm sáng” của nền kinh tế, tập trung thảo luận về những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan cũng như  dự báo tình hình sắp tới để từ đó có những giải pháp hữu hiệu, bảo đảm sự ổn định vững chắc của kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là đánh giá khách quan, toàn diện về những khó khăn, tiềm ẩn rủi ro về thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, về sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19. Từ đó có những giải pháp để phát huy được sức mạnh của những thị trường này.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng khác nữa cũng được Trung ương thảo luận ở hội nghị đó là việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1.7.2024.

Chế độ tiền lương là một trong những nội dung được cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt quan tâm. Chi tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức chính là chi cho đầu tư phát triển. Bảo đảm tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng.

Thực tế cho thấy, những năm qua, dù vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả Covid-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, nhưng chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương Khóa XII. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị nhằm hướng tới bảo đảm tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động trên thị trường, tiền lương hướng tới sự công bằng, thực chất. Làm được điều này thực sự sẽ là động lực rất lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Những nội dung được Trung ương đưa ra thảo luận lần này đều là những vấn đề “trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ”. Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết của các đại biểu, những quyết định quan trọng của hội nghị Trung ương lần này sẽ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.


daibieunhandan.vn