Truy cập nội dung luôn

Góp ý đề cương chi tiết Lịch sử tỉnh Thái Nguyên (từ khởi nguồn đến năm 2025)

Sáng 20/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học góp ý Đề cương chi tiết Lịch sử tỉnh Thái Nguyên (từ khởi nguồn đến năm 2025). Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

Ngày 28/11/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 2973/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử tỉnh Thái Nguyên và lựa chọn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Việc nghiên cứu, biên soạn Lịch sử tỉnh Thái Nguyên nhằm phục dựng lại quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Thái Nguyên từ khởi nguồn đến nay trên tất cả các phương diện. Trên cơ sở đó, đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp, cống hiến của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với lịch sử dân tộc, khẳng định những thành tựu về mọi mặt của tỉnh đạt được qua các thời kỳ; đồng thời, góp phần cung cấp nguồn tài liệu có giá trị phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền lịch sử và truyền thống của tỉnh đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn, khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Học viện đã phân công cán bộ có trình độ chuyên môn sâu phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đầu ngành về lịch sử và các trung tâm lưu trữ cấp quốc gia tiến hành khảo cứu, thu thập nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn. Học viện đã cơ bản hệ thống, lập danh mục tài liệu nghiên cứu lên đến hơn 300 đầu tài liệu và bước đầu dịch, khảo cứu chuyên sâu một số công trình tiêu biểu; trong đó đặc biệt phải kể đến nguồn tài liệu Hán Nôm và tài liệu do các học giả người Pháp nghiên cứu. Sau gần 4 tháng khẩn trương, nghiêm túc triển khai Đề tài, Ban Chủ nhiệm Đề tài và các thành viên đã hoàn thành bản đề cương sơ lược và đề cương chi tiết gồm 02 tập, 12 chương. Đây chính là “xương sống” để nghiên cứu, biên soạn Lịch sử tỉnh Thái Nguyên. PGS. TS Nguyễn Duy Bắc mong muốn, tại Hội thảo này, các nhà khoa học, lịch sử phát huy trí tuệ tập thể đóng góp những ý kiến trách nhiệm, khách quan để Ban Chủ nhiệm Đề tài hoàn thiện Đề cương chi tiết, phục vụ cho các bước tiếp theo.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh đây là một đề tài khoa học có ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là thế hệ sau; đồng thời cũng là hành động thiết thực tri ân các bậc tiền nhân của tỉnh Thái Nguyên và cả nước đã giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên trong suốt thời gian qua. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp với tỉnh trong việc hoàn thiện Đề tài đúng lộ trình, tiến độ đề ra. Đồng chí cũng đề nghị, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, lịch sử, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ hoàn thiện Đề cương chi tiết, nâng tầm Đề tài khoa học để Lịch sử tỉnh Thái Nguyên không chỉ là một cuốn lịch sử thông thường mà còn là nguồn tư liệu quý phục vụ quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Thái Nguyên.

Đại biểu góp ý vào Đề cương chi tiết Lịch sử tỉnh Thái Nguyên

Với tinh thần, trách nhiệm cao, tại Hội thảo đã có 10 ý kiến tâm huyết, sâu sát của các nhà khoa học, lịch sử góp ý vào Đề cương chi tiết. Các ý kiến đã đề cập đến Đề cương về tất cả các mặt, hầu hết đều đồng tình phân chia Đề cương thành 2 tập; Đề cương đã bám sát tiến trình lịch sử Việt Nam và có những mốc tiêu biểu để thấy rõ lịch sử tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về phân kỳ lịch sử, sự kiện, nhân vật, địa danh lịch sử, các mốc thời gian, đặc điểm dân cư, đời sống văn hóa, việc phân bổ các chương, đặt tiêu đề chương... Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm Đề tài cũng nhận được nhiều thông tin quý giá do các nhà khoa học, lịch sử cung cấp để làm sinh động Lịch sử tỉnh Thái Nguyên. Những ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu, hoàn thiện Đề cương chi tiết làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn