Truy cập nội dung luôn

Hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số”

2021-01-08 16:09:00.0

Sáng 08/01, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội với điểm cầu Nhật Bản và các tỉnh, thành phố Việt Nam.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Đây là hội thảo lần thứ ba giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển chính phủ điện tử (hội thảo lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8/2019 và lần thứ hai vào tháng 02/2020) và là một trong các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong lĩnh vực triển khai chính phủ điện tử.

Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Chính phủ trình bày kết quả, bài học về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam. Theo đó, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc như: Xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; gửi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước; xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia cung cấp trên 2.700 dịch vụ công trực tuyến... Qua đó, chuyển phương thức xử lý văn bản giấy sang văn bản điện tử, giúp tiết kiệm chi phí, công khai minh bạch thông tin đến người dân.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ về chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản trong việc phát triển chính phủ số và kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính tại Nhật Bản; xây dựng chính sách sử dụng trí tuệ nhân tạo. Theo đó, để giải quyết một cách cơ bản những vấn đề được nêu trên, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện cải cách quy chế một cách toàn diện, xóa bỏ quản lý hành chính theo chiều dọc, thực hiện cải cách đột phá; xây dựng một xã hội trong đó hiện thực hóa các dịch vụ mà người dân mong đợi, cảm nhận được sự chuyển đổi tiện ích của chuyển đổi số.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Phát triển chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển chính phủ điện tử. Để thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy vai trò người đứng đầu và gương mẫu đi đầu ứng dụng chữ ký số trong xử lý hồ sơ, gửi nhận văn bản điện tử. Cắt giảm các thủ tục rườm rà, giảm bớt thời gian và chi phí cho người dân. Cùng với đó, đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội.

Thanh Thủy
thainguyen.gov.vn