Triển vọng đối thoại Mỹ - Triều Tiên thời chính quyền Trump 2.0
2024-11-27 06:02:00.0
Triển lãm “Phát triển Quốc phòng 2024” diễn ra tại Bình Nhưỡng, ngày 21/11/2024 với sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Theo tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times), tại lễ khai mạc triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng cuối tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã sử dụng một thuật ngữ hoàn toàn mới - "sẵn sàng cùng tồn tại như một siêu cường". Tuy nhiên, ông Kim Jong Un cũng thể hiện sự bi quan sâu sắc về mối quan hệ với Mỹ. Ông tuyên bố rằng Bình Nhưỡng đã xác nhận chính sách thù địch của Mỹ qua các cuộc đàm phán trước đây.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên nêu rõ: "Chúng tôi đã khám phá mọi con đường đàm phán có thể với Mỹ, nhưng kết quả chỉ cho thấy một lập trường cứng rắn và không thay đổi từ phía Mỹ". Ông nhấn mạnh rằng năng lực phòng thủ mạnh nhất là cách duy nhất để bảo vệ hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Hơn nữa, ông cũng cảnh báo rằng tình hình hiện nay có thể leo thang thành cuộc chiến tranh huỷ diệt tàn khốc nhất.
Mặc dù có vẻ như ông Kim Jong Un đang bác bỏ khả năng đối thoại, nhưng một số chuyên gia lại nhìn nhận việc sử dụng cụm từ "sẵn sàng cùng tồn tại như một siêu cường" như một dấu hiệu tích cực. Theo Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, đây là một thuật ngữ hoàn toàn mới và hiếm khi được Triều Tiên sử dụng trước đây. Việc gọi Mỹ là "siêu cường" cho thấy Triều Tiên đang thừa nhận "quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ".
Đồng thời, cụm từ này cũng có thể phản ánh nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm tránh khiêu khích Tổng thống đắc cử Mỹ trong bối cảnh ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng. Theo chuyên gia Hong Min, thông điệp này không chỉ là lời kêu gọi hành động mà còn đặt ra các điều kiện cho cuộc đối thoại trong tương lai.
Trong bối cảnh này, ông Kim Jong Un dường như đã chỉ ra một cách tiếp cận mới. Thay vì theo đuổi phi hạt nhân hóa, ông gợi ý Mỹ nên áp dụng phương thức kiểm soát vũ khí mới và công nhận tình trạng hạt nhân của Triều Tiên. Điều này cho thấy Triều Tiên đang tìm kiếm một thỏa thuận dựa trên sự công nhận lẫn nhau thay vì yêu cầu từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Về phần mình, Randall Schriver, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính quyền Trump trước đây, dự đoán rằng nếu ông Trump nối lại đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump sẽ tìm kiếm các thỏa thuận trên nhiều vấn đề hơn chứ không chỉ tập trung vào chương trình hạt nhân.
Dựa trên những tuyên bố trước đó của cả ông Trump và ông Kim Jong Un, có vẻ như cả hai đều thể hiện mong muốn tham gia đàm phán cấp cao. Ông Schriver tin rằng các cuộc đàm phán song phương có thể không diễn ra ngay lập tức khi ông Trump nhậm chức, nhưng ông kỳ vọng khả năng nối lại đàm phán giữa ông Trump và ông Kim Jong Un sẽ cao hơn trong nhiệm kỳ này.
Thêm vào đó, chuyên gia Hong Min cho rằng thời điểm bước vào giai đoạn đối thoại giữa Mỹ và Nga về cuộc xung đột ở Ukraine có thể là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ông Hong nhấn mạnh rằng khả năng bước vào giai đoạn đàm phán có thể đến sớm hơn nhiều so với dự kiến.
"Với việc chỉ có bốn năm tại nhiệm, ông Trump đang đề cử các vị trí quan trọng bằng những người trung thành với các mục tiêu chính sách của mình và đảm bảo quyền kiểm soát tại Quốc hội. Điều này củng cố vai trò lãnh đạo của ông Trump trong chính phủ Mỹ, tăng khả năng đạt được kết quả nhanh chóng", chuyên gia Hong nêu quan điểm.
Dù vậy, căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn tiếp diễn. Ông Kim Jong Un đã cảnh báo rằng bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay. Ông Kim Jong Un khẳng định rằng Triều Tiên sở hữu “năng lực vững chắc và đảm bảo an ninh” để đối phó với các mối đe dọa an ninh hiện hữu cũng như tiềm tàng trong tương lai. Ông nhấn mạnh Triều Tiên sẽ bảo vệ đất nước bằng sức mạnh quốc phòng, đồng thời cam kết “xây dựng lực lượng quân sự và kỹ thuật tiên tiến hơn cùng năng lực quân sự vượt trội”.
vietnamplus.vn