Nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn vào mùa nắng nóng
2018-06-04 09:43:00.0
Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngày 1/6 bệnh nhân La Văn Hào, 49 tuổi, trú tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ do nhiễm khuẩn liên cầu lợn đã tử vong. Bệnh nhân Hào được đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào khoảng 22 giờ ngày 30-5, trong tình trạng đau bụng cấp, buồn nôn. Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị tại Bệnh viện huyện Đồng Hỷ, sau đó chuyển đến điều trị tiếp tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Người nhà bệnh nhân cũng không biết rõ trước khi mắc bệnh, anh Hào đã ăn gì và có tiếp xúc với động vật hay không.
Trước đó, từ ngày 26 đến ngày 27/5/2018, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận 02 bệnh nhân (là người dân của xã Phú Đình - huyện Định Hóa) được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa với các biểu hiện như vật vã, kích thích, da xanh, niêm mạc nhợt, có nhiều nốt chấm xuất huyết rải rác toàn thân. Hai bệnh nhân được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc và được xét nghiệm dương tính với khuẩn liên cầu lợn.
Cả hai bệnh nhân ở Định Hóa đều nhập viện sau khi ăn thịt dê tái với các biểu hiện nôn ói, đau bụng, khó thở, và sau đó rơi vào hôn mê.
Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus suis) gây ra, là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó lợn và người là chủ yếu. Bệnh liên cầu lợn cũng có thể lây cho người. Chính vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị. Bệnh lây truyền cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da, chưa xác định các trường hợp lây truyền trực tiếp từ người sang người. Vi khuẩn liên cầu có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác. Như vậy môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh. Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cho thấy gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh...
Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hoá và sinh dục của lợn, vì vậy bệnh có thể truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua kim tiêm nhiễm khuẩn. S.suis chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Khi người nhiễm vi khuẩn S.suis sẽ có biểu hiện lâm sàng chính là: Viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết v.v. Tỷ lệ chết có thể tới 7%.
Dấu hiệu nhận biết người bị nhiễm liên cầu lợn:
* Các dấu hiệu lâm sàng
- Sau khi khuẩn cầu lợn đi vào cơ thể chúng sẽ phát triệu thông thường khoảng từ 3 giờ đến 14 ngày, có khi sớm chỉ khoảng 2 ngày.
- Xuất hiện tình trạng nhiễm độc tiêu hóa như: Sốt, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, cơ thể lạnh, run...
- Biểu hiện viêm màng não: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.
- Trường hợp nặng: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.
* Xét nghiệm
- Phân lập liên cầu.
- Phản ứng kháng thể huỳnh quang.
- Phản ứng PCR.
Biện pháp phòng bệnh:
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân biết và chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn:
- Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.
- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn, nhất là trong thời gian có dịch.
- Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
- Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
- Giữ môi trường sống xung quanh vệ sinh, sạch sẽ.
Biện pháp chống dịch:
Khi nhận thấy có dịch liên cầu khuẩn xảy ra thì phải xử lý đúng như xử lý một ổ dịch truyền nhiễm:
- Tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, nên đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.
- Nghiêm cấm hoàn toàn việc di chuyển và giết mổ lợn. Không giết mổ,vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu huỷ đúng cách.
- Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.
Nguồn: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Nguyên