Những điểm mới nổi bật trong quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn
03-10-2024 18:19
Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, tại Quyết định số 891, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu về tỷ lệ đô thị hoá năm 2030 đạt trên 50% và năm 2050 đạt 70% với số lượng đô thị toàn quốc từ khoảng 1.000 đến 1.200 đô thị; trong đó hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, có thu nhập tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 85% vào GDP cả nước.
Một trong những mục tiêu của Quy hoạch là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị, nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, thân thiện môi trường góp phần hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc.
Bên cạnh đó, hình thành hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế - Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Như vậy, theo Quy hoạch sẽ phát triển nông thôn toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao. Nông thôn cũng sẽ có môi trường sống kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp giàu bản sắc văn hóa dân tộc với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị.
Các định hướng chính của Quy hoạch tập trung vào việc tổ chức không gian hệ thống đô thị; phát triển hệ thống đô thị vùng biên giới, ven biển, trên các đảo gắn với chiến lược phát tiển kinh tế biển, bảo vệ quốc phòng an ninh; phát triển quy hoạch hệ thống nông thôn; tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn theo hướng liên kết đô thị, nông thôn kết hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, Tiến sỹ Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) phân tích, trong Quy hoạch này đã đề cập đến một số vấn đề lớn. Trước đây, quy hoạch chỉ đề cập đến các điểm đô thị nhưng đến thời kỳ này đã đề cập đến là vùng đô thị. Tức là các mối quan hệ của những đô thị lớn, trung tâm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc đô thị khác ở những vùng kinh tế trọng điểm trong mối quan hệ đối với cả những vùng xung quanh. Đồng thời, Quy hoạch này cũng đã đề cập đến một số những đô thị và trung tâm đô thị quốc gia, đô thị chuyên ngành... Đây là những đô thị có lợi thế trên những lĩnh vực phát triển riêng như cảng logictics, thương mại, tài chính, du lịch…
Do đó, sau khi Quy hoạch này được phê duyệt, bà Nhâm cho rằng, các địa phương cần phải có những kế hoạch để triển khai thực hiện phát triển hệ thống đô thị để đảm bảo theo những cái định hướng đưa ra. Việc phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Đặc biệt, trong phát triển đô thị phải quan tâm, tiệm cận được cả đến những mức sống của người dân. Có như vậy mới đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
Dưới góc nhìn chuyên gia, bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến Trúc (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia là một kim chỉ nam rất là quan trọng cho các địa phương để khi các quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng và quy hoạch nông thôn cũng như hệ thống hạ tầng kết nối có định vị một cách rõ ràng, định hướng một cách thống nhất.
"Trước kia, chúng ta có những nghiên cứu và cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998, đó là định hướng phát triển đô thị Việt Nam. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên được thể chế hóa, đưa vào hệ thống pháp luật, đưa quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn nằm trong quy hoạch ngành quốc gia để đặt vào vị trí cũng như tầm quan trọng mang tính chiến lược", bà Trần Thu Hằng nói.
Có một điểm mới cần ghi nhận đó là cùng với quy hoạch, định hướng hệ thống đô thị thì chúng ta cũng định hướng cả khu vực nông thôn. Trên cả nước tỷ lệ đô thị hóa đang từ 42% sẽ tăng lên 55% vào giai đoạn tới. Chính vì vậy, sự chuyển tiếp của đô thị và khu vực nông thôn được đô thị hóa thì cần phải định hướng một cách thận trọng nhất. Yêu cầu đặt ra là vẫn đáp ứng những mục tiêu phát triển đô thị nhưng bên cạnh đó vẫn giữ được bản sắc của nông thôn; nhất là khu vực đem lại những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa và cần phải bảo tồn.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định 891, thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm, huy động nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm như: tổ chức tuyên truyền phổ biến và cung cấp đầy đủ nội dung quy hoạch đến các tổ chức, cá nhân để tham gia giám sát việc thực hiện Quy hoạch; chủ động tổ chức nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế chính sách, thể chế, quy định pháp luật về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn.
Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng đô thị và các đề án, chương trình trọng điểm khác có liên quan; đồng thời định kỳ, tổ chức đánh giá việc thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định theo quy định.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng đề nghị chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan lập chương trình, kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để tổ chức thực hiện Quy hoạch theo các định hướng đã được phê duyệt; nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.
Đặc biệt, cần tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, thúc đẩy hợp tác đầu tư, hình thành mạng lưới đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; triển khai dự án nâng cấp, phát triển đô thị và dự án phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, đô thị thông minh trên địa bàn... Đồng thời xây dựng kế hoạch, chủ động phân bổ ngân sách địa phương hằng năm và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án thuộc Quy hoạch theo quy định của pháp luật. Các địa phương cần chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển đô thị, nông thôn, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Quy hoạch - Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
baotintuc.vn