Truy cập nội dung luôn

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Những tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đạt kết quả tích cực. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ những tháng đầu, quý đầu; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công của năm.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo xã La Bằng thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành công trình xây dựng, mở rộng, tôn tạo Di tích lịch sử nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tại xã La Bằng, huyện Đại Từ

Trong năm nay, vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ giao 5.612 tỷ đồng; HĐND, UBND tỉnh giao 8.715 tỷ đồng (cao hơn 3.103 tỷ đồng so với Thủ tướng Chính phủ giao). Kết thúc quý I, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công được hơn 724 tỷ đồng, đạt 12,9% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao và đạt 8,3% kế hoạch do địa phương giao. Theo Cục Thống kê tỉnh, lũy kế từ đầu năm tới hết 30/4/2024, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công khoảng 1.600,5 tỷ đồng, đạt 28,5% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao và đạt 18,4% kế hoạch địa phương giao.

Là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công được xác định là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2024. Coi đầu tư công là vốn mồi, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế khác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tỉnh nhấn mạnh phương châm “triển khai tốt, giải ngân nhanh, điều hành linh hoạt”, thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với đảm bảo chất lượng, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đang được tỉnh Thái Nguyên huy động tối đa nhân lực, vật lực để thi công đảm bảo tiến độ

Trong năm 2023, Thái Nguyên đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao. Tiếp nối kết quả đó, tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2024. Trong đó, lộ trình đến hết quý II đạt trên 60%; hết quý IV đạt 90% (riêng kế hoạch vốn được được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 đạt 100%); đến ngày 31/1/2025 sẽ giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công năm 2024.

Để hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tỉnh; xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công hàng quý và cả năm là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.

Từ đầu năm tới nay, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, làm việc với các sở, ngành và chủ đầu tư để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, nhất là đối với các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công theo lĩnh vực được phân công; kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc. Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố cũng chủ động, phối hợp chặt chẽ để triển khai các thủ tục đầu tư, thẩm định hồ sơ thiết kế - dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; tập trung tối đa nguồn lực, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tổ chức nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn đầu tư ngay khi có khối lượng; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quyết toán dự án để gửi cơ quan tài chính thẩm tra, trình phê duyệt theo quy định. Đối với dự án khởi công mới thì đẩy mạnh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và thi công, đảm bảo dự án được triển khai kịp thời, đúng tiến độ quy định. Trong quý I, một số công trình, dự án lớn sử dụng vốn đầu tư công đã được khánh thành và đưa vào sử dụng như: Cầu vượt đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên tại nút giao đường Quang Trung với đường Việt Bắc; xây dựng, mở rộng, tôn tạo di tích lịch sử Nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tại xã La Bằng, huyện Đại Từ…

Cầu vượt đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên tại nút giao đường Quang Trung với đường Việt Bắc được đưa và sử dụng tháng 2/2024

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu thanh toán vốn trong quý II/2024 của các dự án đầu tư công khoảng 2.150 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 6/2024, kết quả giải ngân trên địa bàn tỉnh đạt 3.302 tỷ đồng, bằng 58,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều công trình, dự án trọng điểm tiếp tục được hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm cao độ hoàn thành mục tiêu cả năm đề ra, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công việc. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục đầu tư công. Chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các ngành và địa phương để giải quyết vướng mắc phát sinh, nhất là các vướng mắc về đất đai, tài nguyên, giải phóng mặt bằng… Đồng thời, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, chưa thực sự cần thiết để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Trần Nhung
Thainguyen.gov.vn