Truy cập nội dung luôn

Viết tiếp bản hùng ca báo chí cách mạng Việt Nam

Cách đây đúng 75 năm (21/4/1950 - 21/4/2025) tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, những thế hệ làm báo đầu tiên đã đoàn kết, hội tụ dưới một tổ chức mang bản lĩnh của người làm báo, đó là Hội những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam).

Nhìn lại chặng đường 75 năm đi qua là dịp để những người làm báo nước nhà viết tiếp bản hùng ca báo chí cách mạng, góp sức đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhân sự kiện 75 năm Thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, phóng viên (P.V) Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng đại diện Hội Nhà báo các tỉnh, thành tại Di tích lịch sử quốc gia - Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 

P.V: Thưa ông Lê Quốc Minh, chúng tôi được biết Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công hành trình về nguồn rất ý nghĩa để kỷ niệm 75 năm ngày Thành lập Hội. Cảm xúc của ông về hành trình đó như thế nào ạ?

Ông Lê Quốc Minh: Chúng tôi đã tổ chức chương trình về nguồn tại Thái Nguyên, mảnh đất lịch sử gắn liền với những dấu mốc quan trọng của Báo chí cách mạng Việt Nam, của Hội Nhà báo Việt Nam. Hành trình này diễn ra trong một năm đặc biệt khi cả nước đang hướng đến kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; 75 năm Thành lập Hội Nhà báo Việt Nam…Trong không khí thiêng liêng của mảnh đất ATK lịch sử, tôi vô cùng xúc động, đặc biệt khi được có mặt tại Di tích lịch sử quốc gia - Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, cái nôi đào tạo những thế hệ nhà báo chiến sĩ cách mạng đầu tiên. Nơi đây, giữa đại ngàn Việt Bắc, dưới những mái nhà tranh nứa đơn sơ, lớp nhà báo chiến sĩ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã được nuôi dưỡng và trưởng thành. Các học viên, nhà báo, chiến sỹ ấy đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nước nồng nàn, để rồi từ ngôi trường mái tranh này, tỏa đi khắp các chiến trường, viết lên những trang báo thấm mồ hôi và máu xương. 

Những người làm báo các thế hệ luôn luôn biết ơn các nhà báo tiền bối đã cống hiến hết mình, đã tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trung thành với Đảng, góp phần dựng xây sự nghiệp báo chí cách mạng to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gây dựng. Tôi tin tưởng rằng, những chuyến hành trình về nguồn ý nghĩa như vậy sẽ hun đúc “tinh thần Huỳnh Thúc Kháng”, tinh thần báo chí cách mạng cho mỗi nhà báo tiếp tục giữ “tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn” để tiếp tục phát huy sự nghiệp của báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số như hiện nay.

P.V: Thưa ông Lê Quốc Minh, ông có thể phân tích cụ thể hơn về những nhiệm vụ cần đặt ra với các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo trong thời đại công nghệ số như hiện nay, thưa ông?

Ông Lê Quốc Minh: Như chúng ta đã biết, sự thay đổi của công nghệ khiến cho nhu cầu của công chúng báo chí cũng có những thay đổi rõ rệt, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, mỗi phóng viên, nhà báo cần có cho riêng mình những giải pháp hiệu quả hơn. Hiện nay độc giả vẫn mua báo, vẫn bật truyền hình và theo dõi phát thanh, nhưng có một thực tế cần nhìn nhận, đó là việc sử dụng các nền tảng, công cụ cung cấp thông tin truyền thống ngày càng ít đi, và chuyển hướng mạnh mẽ sang các nền tảng trên Internet. Bởi vậy mà chiếm lĩnh thông tin trên các nền tảng số để đưa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công chúng là trách nhiệm lớn lao của các cơ quan báo chí. Chuyển đổi sang tòa soạn số, số hóa quy trình sản xuất là cần thiết nhưng chưa thật sự đủ. Yêu cầu về đổi mới sáng tạo của mỗi cơ quan là cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngoài quy trình số, cần phải tính toán đến làm mới cách truyền tải với các hình thức mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn, đòi hỏi sự kết hợp giữa sáng tạo của mỗi phóng viên, nhà báo và lợi thế của công nghệ.

Hội Nhà báo Việt Nam bên cạnh thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích cho các hội viên thì chúng tôi cũng rất tích cực để đào tạo các kỹ năng mới. Đặc biệt, từ năm 2025, bên cạnh các khóa đào tạo cơ bản, đào tạo truyền thống, chúng tôi đã hướng đến tập huấn, đào tạo về kỹ năng số, trí tuệ nhân tạo. Thời gian tới đây, Hội đang chuẩn bị cho một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) quy mô lớn cho báo chí trong cả nước, mục tiêu chúng tôi đặt ra là đào tạo cho ít nhất 3.000 phóng viên, nhà báo, chúng tôi kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực của báo chí Việt Nam trong ứng dụng AI vào khai thác, sản xuất và phân phối thông tin đến công chúng.

Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên tích cực tổ chức các lớp tập huấn để mỗi hội viên có thể cập nhật thêm kỹ năng số phục vụ hoạt động báo chí, truyền thông 

P.V: Còn với báo chí địa phương thì sao, ông đánh giá như thế nào về nỗ lực chuyển đổi số của báo chí Thái Nguyên?

Ông Lê Quốc Minh: Có thể nói, năm 2024 là năm chứng kiến sự chuyển đổi của báo chí địa phương, trong đó có báo chí Thái Nguyên. Rất nhiều người cho rằng, chỉ có các cơ quan báo chí lớn, báo chí Trung ương mới có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, song trên thực tế, ngay cả các cơ quan báo chí địa phương, cơ quan báo chí quy mô nhỏ cũng có thể có được kết quả tích cực khi biết nắm bắt thời cơ.

Tôi cho rằng, báo chí Thái Nguyên đã có những bước đi rất mạnh dạn, từ những trang báo in truyền thống ban đầu, kênh sóng ban đầu, Thái Nguyên đã làm rất tốt việc sản xuất, thúc đẩy và phân phối nội dung trên nền tảng Internet và chiếm lĩnh khá thành công các nền tảng này. Tuy nhiên đã làm tốt rồi, thì chúng ta cần đặt ra mục tiêu làm tốt hơn nữa. Đó là ngoài việc ứng dụng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần liên tục cập nhật các công nghệ như thực tế ảo, thực tế tăng cường, thực tế tăng cường hỗn hợp. Đã đến lúc, chúng ta cần đưa ra những dự báo để đón đầu xu hướng, nhằm mục tiêu phục vụ công chúng được tốt hơn. Hiện nay, các cơ quan báo chí trên toàn quốc đã và đang thực hiện sắp xếp, ngoài thách thức thì chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để các cơ quan báo chí phát huy truyền thống của những người làm báo cách mạng để xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn cùng lớn mạnh, để phát huy những thành tựu của 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam và đặt mục tiêu cho những kế hoạch chiến lược trong tương lai.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông Lê Quốc Minh!

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn