Truy cập nội dung luôn

Tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số

Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực nhờ vào việc hầu hết ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; quy mô đầu tư vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ chuyển đổi số… cũng đang không ngừng tăng lên.

Thu trái ngọt từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số ngày nay đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được xem là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và ngành Ngân hàng là lĩnh vực chuyển đổi số nhanh và mạnh nhất. Phát biểu tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng Quý I/2024, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%; nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Để có kết quả này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đến nay, hầu hết ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và điện thoại di động. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng vào hoạt động, cụ thể là Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ sinh trắc học (nhận diện giọng nói, khuôn mặt, vân tay, mống mắt)…


Hầu hết các ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số

Trái ngọt từ hành trình chuyển đổi số đã giúp nhiều ngân hàng “thay da đổi thịt” hàng ngày. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, nhờ nền tảng công nghệ thông tin được đầu tư tiêu chuẩn cùng chiến lược hấp dẫn khách hàng trên hệ sinh thái số đa dạng, MB duy trì đà tăng trưởng khách hàng bền vững. Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp MB thu hút được hơn 6 triệu khách hàng mới (năm 2021 là 6,2 triệu; năm 2022 là 6,9 triệu khách hàng mới và năm 2023 là 6,3 triệu khách hàng mới). Trong năm 2024, đại diện MB cho biết, ngân hàng đã và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin để đảm bảo khách hàng sẽ có được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất; triển khai tính năng dùng sinh trắc học khi chuyển tiền nhằm hỗ trợ khách hàng trong việc quản lý tài khoản tốt hơn. Đây cũng là chiến lược để MB hút thêm khách hàng, qua đó đạt được mục tiêu 30 triệu khách hàng đề ra trong thời gian tới.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ cho biết, từ năm 2023, SHB đã dịch chuyển và mở rộng hoạt động dịch vụ bán lẻ. Số hóa toàn diện là đòn bẩy hiệu quả nhất để phát triển ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, tỷ trọng giao dịch trên các kênh số của SHB tiếp tục tăng trưởng. 90% các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu tại SHB đã có thể thực hiện trên kênh số; 92% số lượng giao dịch của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số.

Cùng với các hoạt động kinh doanh chính, tới đây, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) tập trung nguồn lực cho công tác chuyển đổi số toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng phục vụ khách hàng. Ngân hàng đã xây dựng một lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2025 – 2030 với mục tiêu tỷ trọng các giao dịch và nghiệp vụ thực hiện trên môi trường số đạt từ 50-70% vào năm 2025 và từ 70-90% vào năm 2030; tăng cường hợp tác với đối tác IBM trong việc phát triển hệ thống ngân hàng mở, làm việc với Amazon để xây dựng chiến lược chuyển đổi các ứng dụng quan trọng lên hạ tầng Cloud nhằm mục đích nâng cao tính sẵn sàng, khả năng mở rộng, tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu rủi ro trong vận hành.

Để có nhiều bước tiến lớn trong hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, trong thời gian qua NHNN đã luôn rà soát, bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới song vẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, NHNN đã nghiên cứu, trình ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Tận dụng cơ hội và vượt thách thức

Bên cạnh thuận lợi và tiềm năng, ngành Ngân hàng Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong hành trình chuyển đổi số. Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dù đã được sự quan tâm nhiều hơn từ Chính phủ, NHNN đã ban hành các quy định điều chỉnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và đã đạt được nhiều thành công nhất định song vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng, đồng bộ, gây khó khăn, bất cập cho quá trình chuyển đổi số tại các ngân hàng hiện nay; chi phí đầu tư công nghệ cao, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập; ủi ro về bảo mật gia tăng làm ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng và được xem là một trong những nhân tố chính cản trở sự phát triển các phương tiện giao dịch điện tử tại Việt Nam.

Để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức trong chuyển đổi số, vai trò của Chính phủ và các bộ ngành là rất quan trọng, đặc biệt trong thiết lập khuôn khổ pháp lý và khuôn khổ thúc đẩy; tận dụng điều kiện kết nối mở cho các ngân hàng truy xuất theo thẩm quyền được duyệt và có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba; khẩn trương hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; quyết liệt triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Về phía các tổ chức tín dụng cần chuyển đổi số gắn chặt với “lấy khách hàng là trung tâm”; xây dựng và thực thi chiến lược “Ngân hàng số” phù hợp với tiềm lực của ngân hàng (tài chính, nhân sự, hệ thống cơ sở hạ tầng…) và các quy định pháp luật, trong đó cần xác định ngân hàng số là một chiến lược, mô hình kinh doanh, chứ không phải một dự án công nghệ đơn thuần; chú trọng nâng cấp cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực thu thập, làm giàu, sàng lọc, phân tích và quản lý dữ liệu lớn và ứng dụng AI; đột phá hơn nữa về tuyển dụng, giao việc, đánh giá, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin và chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái, phân tích dữ liệu…

Liên quan đến hoạt động chuyển đổi số, tại họp báo quý I/2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và NHNN) triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng…

Nhằm tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết nối hợp tác chuyển đổi số giữa ngành Ngân hàng với các bên liên quan, dưới sự chỉ đạo của NHNN, Thời báo Ngân hàng và Vụ Thanh toán phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024 với Chủ đề "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số" dự kiến tổ chức vào ngày 8/5/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, 57 Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Chương trình sẽ đem đến cho các nhà hoạch địch chính sách, các chuyên gia uy tín một không gian để gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi về các chiến lược, các chính sách và các giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số trong ngành Ngân hàng. Đặc biệt, sự kiện năm nay sẽ có sự góp mặt của các chuyên gia tài chính, công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đến từ Google, IBM, Fidelity, SAP…; hoạt động trưng bày tại sự kiện sẽ giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ ngân hàng mới nhất, hiện đại nhất của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ.

Trong phiên sáng, Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024 sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp truyền hình trực tiếp trên Báo điện tử Thời báo Ngân hàng, Youtube Thời báo Ngân hàng, Fanpage Thời báo Ngân hàng và Fanpage Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Để tham dự Hội thảo chuyên đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” diễn ra buổi chiều, quý vị khách quý vui lòng đăng ký và liên hệ đặt vé trước ngày 03/05/2024. Phí tham dự Hội thảo: 1.000.000 đồng/vé.

 


thoibaonganhang.vn