Truy cập nội dung luôn

Tăng cường hợp tác ven Địa Trung Hải

Lãnh đạo, đại diện 9 quốc gia Địa Trung Hải và Nam Âu, còn gọi là MED9, mới đây nhóm họp tại thành phố Paphos của Síp. Chỉ diễn ra trong một ngày, song Hội nghị thượng đỉnh MED9 lần thứ 11 bàn thảo về một loạt vấn đề quan trọng và cấp bách, không chỉ với MED9 mà cả Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh MED9 ở Paphos, Cộng hòa Síp, ngày 11/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong tuyên bố sau hội nghị, Tổng thống Síp Nikos Christodoulides nhấn mạnh, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo EU cho thấy tầm quan trọng của hợp tác đa phương nhằm thực hiện các mục tiêu chung. Trong bối cảnh những thách thức đặt ra ngày càng phức tạp, khó lường, bảo đảm an ninh và sự tự cường của nền kinh tế là ưu tiên của MED9.

Theo đó, MED9 nhất trí tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị nhận định, thị trường chung còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác và vẫn là lợi thế cạnh tranh quan trọng của EU.

Bởi vậy, MED9 cho rằng cần xóa bỏ các rào cản, cắt giảm thủ tục hành chính và bảo đảm một môi trường bình đẳng, thân thiện, có tính đến đặc thù của các quốc gia thành viên và nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo MED9, châu Âu nên đi đầu trong phát triển các công nghệ tiên tiến, tận dụng những lợi thế của quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, qua đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh. Giảm sự phụ thuộc, đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng sẽ góp phần bảo đảm an ninh kinh tế của khu vực.

Các quốc gia Địa Trung Hải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Do đó, tại hội nghị ở Síp vừa qua, MED9 nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác trong khu vực, cũng như với các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề này.

MED9 khẳng định mong muốn đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu khí hậu của EU, đẩy mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, tìm giải pháp cho vấn đề lao động, nhà ở, nhân khẩu học, bất bình đẳng… cũng là nội dung được chú trọng trong hội nghị vừa qua. Đẩy mạnh hợp tác y tế và cải thiện khả năng tiếp cận thuốc men trên toàn EU cũng là điều được các nhà lãnh đạo MED9 nhấn mạnh.

Di cư vẫn là thách thức đối với châu Âu và đòi hỏi phản ứng ở tầm khu vực. Dù đạt được tiến bộ với việc thông qua Hiệp ước di cư và tị nạn, song châu Âu vẫn gặp không ít khó khăn trong việc đưa ra cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này.

Theo dữ liệu của EU, khoảng 55.000 người di cư vượt biển Địa Trung Hải đến châu Âu chỉ trong nửa đầu năm 2024. Xung đột và đói nghèo khiến người di cư tìm mọi cách vào châu Âu, thông qua những cửa ngõ chính là Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha, kéo theo nhiều hệ lụy.

Do đó, MED9 mong muốn mở rộng hơn nữa quan hệ với các quốc gia ven Địa Trung Hải, cũng như ở châu Phi, qua đó triển khai các chính sách hồi hương người di cư. MED9 cũng sẽ tăng cường quản lý biên giới và triệt phá các mạng lưới buôn người nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép và trường hợp tử vong trên những tuyến đường đến châu Âu.

Tham dự hội nghị cùng các nhà lãnh đạo MED9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, Địa Trung Hải từ lâu đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng của ba châu lục. Tuy nhiên, khu vực này cũng là tuyến đầu trước những ảnh hưởng địa chính trị và các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Quan điểm của các quốc gia Địa Trung Hải được phản ánh trong những nội dung thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh MED9 lần này đóng góp thiết thực vào Hội nghị thượng đỉnh EU và Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác EU-Vùng Vịnh lần đầu tiên sẽ diễn ra trong những ngày tới.


nhandan.vn