Truy cập nội dung luôn

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về công tác dân nguyện

Nhấn mạnh việc thực hiện có hiệu quả công tác dân nguyện góp phần khẳng định bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời thể hiện rõ nét tính chất dân chủ của xã hội, để đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến hết năm 2030, tầm nhìn 2045, các đại biểu tại Hội thảo “Thành tựu và những dấu ấn nổi bật của Quốc hội khóa XV” cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về công tác dân nguyện.

Công tác dân nguyện của Quốc hội từng bước được cải tiến, đổi mới

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nêu rõ, công tác dân nguyện luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng. Đối với Quốc hội, thời gian qua, công tác này đã từng bước được cải tiến, đổi mới để phù hợp với tình hình chung của đất nước và nguyện vọng chính đáng của người dân. Theo đó, công tác dân nguyện của Quốc hội hiện bao gồm các hoạt động như: hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; công tác tập hợp, tổng hợp, chuyển kiến nghị của cử tri; giải quyết, trả lời giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Cùng với đó, Quốc hội đã đổi mới một cách cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh bảo đảm phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong hoạt động giám sát, Quốc hội tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri; công tác tổng hợp, phân loại các kiến nghị cử tri gửi tới các kỳ họp của Quốc hội đã được tổ chức khoa học, công khai, minh bạch, đạt được những kết quả đáng khích lệ, được cử tri và Nhân dân ghi nhận.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình của các đợt tiếp xúc cử tri, qua đó, số lượng và chất lượng các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại các địa phương được nâng lên rõ rệt. Theo Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, tiếp tục phát huy truyền thống của đại biểu Quốc hội các khoá trước, đại biểu Quốc hội Khoá XV đã tích cực, đi sâu, đi sát, gần gũi với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét, giải quyết, trả lời.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu

“Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV đến hết kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khoá XV đã có trên 15.000 kiến nghị cử tri được gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành. Ngoài ra là hàng nghìn ý kiến, kiến nghị cử tri được đại biểu Quốc hội ghi nhận, tiếp thu gửi đến HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, địa phương. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri được quan tâm, giải quyết, trả lời, qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của cử tri đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội”, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết.

Cùng đó, các đại biểu Quốc hội Khoá XV cũng rất tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội. Nhiều đại biểu đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ cho các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng, chăm lo tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19; ủng hộ khắc phục thiệt hại do bão lũ, thiên tai; hưởng ứng chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng đường giao thông, y tế, giáo dục...

Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát

Mặc dù công tác dân nguyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng một số đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác dân nguyện vẫn còn một số hạn chế về thể chế pháp luật, về công tác bố trí cán bộ thực hiện công tác dân nguyện, tổ chức thực hiện hoạt động giám sát kiến nghị cử tri.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công phát biểu

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công phát biểu

Nhấn mạnh việc thực hiện có hiệu quả công tác dân nguyện góp phần khẳng định bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời thể hiện rõ nét tính chất dân chủ của xã hội, để đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến hết năm 2030, tầm nhìn 2045, các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về công tác dân nguyện.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công đề xuất, cần tiếp tục nghiên cứu về Luật Dân nguyện, chú trọng nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật về tiếp công dân; giám sát trong lĩnh vực bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và pháp luật về tiếp xúc cử tri, về tiếp nhận và giải quyết ý kiến và kiến nghị của Nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện quy định về bảo đảm quyền tham gia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến thực hiện công tác dân nguyện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sớm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung thay thế các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.

Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, GS.TS. Võ Khánh Vinh kiến nghị, cần đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Quốc hội; tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp. Gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với đơn vị bầu cử và cử tri; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; hoàn thiện cơ chế giám sát của cử tri và cơ chế, phương thức, tiêu chí đánh giá đối với đại biểu Quốc hội; bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò trung tâm của mình.

avatar

Quang cảnh hội thảo

Đồng thời, gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với đơn vị bầu cử và cử tri; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; hoàn thiện cơ chế giám sát của cử tri và cơ chế, phương thức, tiêu chí đánh giá đối với đại biểu Quốc hội; bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò trung tâm của mình.

Một số đại biểu cũng đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, góp ý sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hội thảo là hoạt động nối tiếp những hội thảo trước đó nhằm hoàn thiện Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2026). Ban Chủ nhiệm Đề tài và Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiếp thu đầy đủ và cố gắng thể hiện tối đa các nội dung trong kỷ yếu hội thảo cũng như trong quá trình hoàn thiện Đề tài.


daibieunhandan.vn