Tọa đàm trực tuyến: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động của hợp tác xã
29-11-2024 09:15
MC Thành Chung và các vị khách mời
Thưa quý vị và các bạn! Luật HTX năm 2023 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 được kỳ vọng góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác (THT), HTX, liên hiệp HTX tham gia vào nền kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế. Sau hơn 4 tháng có hiệu lực thi hành, các nội dung của Luật đã được Liên minh HTX tỉnh và các HTX trên địa bàn triển khai thực hiện theo đúng quy định, tuy nhiên việc thực hiện Luật tại một số HTX vẫn còn những bỡ ngỡ, lúng túng. Và để giúp các HTX hiểu rõ hơn về những nội dung, điểm mới của Luật HTX năm 2023 cũng như có cái nhìn toàn diện về Luật, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động của hợp tác xã.
Chương trình có sự tham gia của 2 vị khách mời. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu: Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh và ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Liên Sơn.
Trước khi vào phần trao đổi, mời 2 vị khách mời và khán giả cùng theo dõi clip ngắn mà chúng tôi thực hiện.
MC Thành Chung: Clip vừa rồi đã cho chúng ta thấy được sự cần thiết phải ban hành Luật HTX năm 2023 (sửa đổi). Trước khi tìm hiểu về Luật này cũng như những tác động của Luật đối với sự phát triển của các HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Trung Kiên có thể chia sẻ cho chúng tôi biết về sự phát triển của các HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
Ông Nguyễn Trung Kiên: Trong thời gian qua, các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã kịp thời tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể cả nước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các HTX.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh
Đối với tỉnh Thái Nguyên, hiện nay có 765 HTX, trong đó có 530 HTX lĩnh vực nông nghiệp, 232 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp (trong đó có 62 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 41 HTX xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng, 97 HTX thương mại - dịch vụ, 22 HTX vận tải, 10 HTX vệ sinh môi trường). Ngoài ra có 3 QTDND; 5 Liên hiệp HTX và trên 4.500 THT (trong đó có 315 THT được thành lập và hoạt động theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP).
Các HTX có sự phát triển mạnh, bình quân giai đoạn từ 2021 đến nay, mỗi năm có trên 50 HTX được thành lập mới, các HTX hoạt động hiệu quả, năng động, sáng tạo, nhất là đối với các HTX mới thành lập. Doanh thu của các HTX tăng bình quân từ 10 - 15%, đã góp phần rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình ở nông thôn; từng bước tạo ra chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm; đặc biệt góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG)
xây dựng nông thôn mới (NTM).
MC Thành Chung: Bên cạnh những kết quả rất ấn tượng mà ông vừa chia sẻ thì hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Về vấn đề này, chúng tôi rất muốn lắng nghe ý kiến trực tiếp của HTX. Thưa ông Lê Văn Sinh, từ thực tiễn hoạt động trong thời gian qua, ông có thể cho biết những khó khăn, hạn chế đối với các HTX là gì?
Ông Lê Văn Sinh: Hiện nay, cơ bản các HTX đang gặp phải những khó khăn chung như sau: Xuất phát điểm thấp; nhận thức về trách nhiệm đóng góp xây dựng cộng đồng của thành viên chưa cao; vẫn còn có biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, năng lực của cán bộ còn yếu, kiến thức pháp luật liên quan đến HTX và lĩnh vực sản xuất, kinh tế, kinh doanh còn hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển của HTX và xã hội; tính chuyên môn hóa trong quản lý và sản xuất kinh doanh còn chưa cao. Nguồn vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động và sản xuất của HTX còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu...
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Liên Sơn
MC Thành Chung: Như chia sẻ của 2 vị khách mời, hoạt động của các HTX hiện nay vẫn còn có những khó khăn. Vậy thưa ông Nguyễn Trung Kiên, với việc ban hành Luật HTX năm 2023 được kỳ vọng như nào trong góp phần giải quyết những khó khăn này của các HTX? Đồng thời tạo cơ hội gì đối với hoạt động của các HTX nói chung và HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Luật HTX 2023 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được ban hành, nhất là Nghị định 113/2024/NĐ-CP ngày 12/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX, đã quy định rõ 10 nhóm chính sách liên quan trực tiếp đến HTX sẽ kịp thời tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải, cũng như tạo điều kiện hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể có điều kiện phát triển. Trong đó, tập trung vào một số nhóm chính sách hỗ trợ như: Nguồn nhân lực; thông tin; xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; nhân rộng mô hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả; ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường; đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, chuyển giao công trình kết cấu hạ tầng, công trình công cộng và kết cấu hạ tầng khác của nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể HTX… Trên cơ sở quy định của Luật HTX, Nghị định 113/2024/NĐ-CP và các chính sách khác của Nhà nước, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp với điều kiện của tỉnh để hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể trong thời gian tới.
Liên minh HTX tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền những điểm mới của Luật HTX năm cho các HTX trên địa bàn huyện Định Hóa
MC Thành Chung: Luật HTX 2023 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, được xem là động lực, đòn bẩy quan trọng, đồng thời cũng tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng, tạo điều kiện thúc đẩy các HTX tham gia vào nền kinh tế thị trường và đóng góp cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ngoài những cơ hội, Luật HTX 2023 ban hành tạo thách thức gì đối với các HTX thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Song song với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện, hành lang pháp lý thuận lợi cho HTX tiếp cận được sâu rộng vào nền kinh tế thị trường, công tác quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chấp hành các quy định của pháp luật được minh bạch hơn, thì Luật HTX 2023 (sửa đổi), các Nghị định của Chính phủ quy định, hướng dẫn thực hiện Luật HTX cũng quy định những nội dung chặt chẽ, liên quan đến tổ chức, hoạt động, quản lý tài chính… của HTX, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý HTX phải đổi mới nhận thức, tư duy, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của HTX và thích ứng kịp thời với cơ chế thị trường. Đặc biệt, mỗi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đều yêu cầu điều kiện, tiêu chí để được hỗ trợ. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của đa số HTX và thành viên còn thấp; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, tổ chức hoạt động còn chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn có tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX còn hạn chế… dẫn đến các HTX sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, thị trường và các chính sách khác của Nhà nước.
Các HTX nghiên cứu về những điểm mới của Luật HTX năm 2023
MC Thành Chung: Rất nhiều thách thức đặt ra đối với các HTX trong thực hiện Luật HTX năm 2023 (sửa đổi) như ông Nguyễn Trung Kiên vừa chia sẻ, đòi hỏi các HTX phải có sự cố gắng không ngừng nghỉ. Là một HTX, chắc chắn ông Lê Văn Sinh đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu về Luật HTX mới để có thể áp dụng vào quá trình hoạt động của đơn vị mình. Vậy để hạn chế những thách thức trong thực hiện Luật mới này, HTX của ông Lê Văn Sinh có kế hoạch, chiến lược hay giải pháp gì?
Ông Lê Văn Sinh: Thực hiện Luật HTX năm 2023 (sửa đổi) và các chính sách của Nhà nước, trong thời gian tới HTX tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu để khắc phục những hạn chế, khó khăn như sau: Nâng cao tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong quản lý HTX. Tổ chức lại HTX theo đúng quy định của Luật HTX năm 2023; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý điều hành của HTX, thu hút đội ngũ cán bộ, lao động trẻ, có trình độ vào làm việc tại HTX. Dựa vào điều kiện của địa phương và đặc điểm của HTX để xây dựng quy mô, lĩnh vực hoạt động của HTX cho phù hợp; nếu hoạt động tốt sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, đời sống của thành viên được nâng cao. Quan tâm đầu tư, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ (KHCN) và đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong vận hành hoạt động của HTX để nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất kinh doanh của HTX.
HTX chè Hảo Đạt đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất
MC Thành Chung: Được biết một trong những điểm mới của Luật HTX 2023 (sửa đổi) là đã chú trọng đến vấn đề CĐS, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ (CNTT,CNS) số trong hoạt động quản lý, điều hành của HTX. Đây là yếu tố quan trọng giúp mô hình HTX thích ứng với thời đại 4.0. Thưa ông Nguyễn Trung Kiên, việc CĐS của các HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay được thực hiện như nào và có thích ứng được với các yêu cầu đặt ra trong Luật mới không?
Ông Nguyễn Trung Kiên: CĐS là kết quả quy luật phát triển của xã hội, là xu thế tất yếu của nhân loại, chúng ta sinh sống trong thế giới đang bùng nổ về thông tin, về trí tuệ nhân tạo, về ứng dụng KHCN và CĐS thì bắt buộc chúng ta phải thích ứng với thế giới đó, nếu như không muốn bị lùi lại phía sau. Chính vì vậy, Luật HTX năm 2023 (sửa đổi) đã xác định việc hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể nhóm chính sách về ứng dụng KHCN, CĐS trong quản lý và tổ chức hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại…để giúp các HTX kịp thời thích ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng KHCN 4.0.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, việc CĐS của các HTX trên địa bàn cũng nằm trong mục tiêu, định hướng CĐS chung của tỉnh tại Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chúng tôi đã tập trung vào thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS cho các HTX, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, bởi vì họ có thay đổi được nhận thức thì mới thay đổi được hành vi trong chỉ đạo, điều hành nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong hoạt động của HTX.
Thứ hai: Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng tổ chức, quản lý và ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh của HTX; tổ chức đào tạo kỹ năng livestream bán hàng trên facebook, trên tiktok và các trang web thương mại, sàn thương mại điện tử; đưa các HTX đi thăm quan các mô hình hoạt động có hiệu quả trong và ngoài tỉnh để vận dụng thực hiện.
Thứ ba: Chúng tôi tư vấn, hỗ trợ các HTX việc CĐS trong các khâu của quá trình từ tổ chức sản xuất đến hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng… Các HTX cũng đã chủ động, tích cực trong ứng dụng KHCN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như: Đăng ký truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; sử dụng tem nhãn ứng dụng mã số, mã vạch, QR Code…; từng bước cơ giới hóa và tự động hóa các công đoạn trong sản xuất, đóng gói, phân loại sản phẩm; ứng dụng các nền tảng số để quản lý sản phẩm, bán hàng như: Lập các trang bán hàng trên Tiktok, livestream trên fanpage; đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử…
Hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các nền tảng livestream bán hàng để quảng bá rộng rãi sản phẩm
MC Thành Chung: Đối với HTX nông nghiệp Liên Sơn thì sao, việc CĐS được HTX chú trọng thực hiện như nào? Việc Luật HTX 2023 (sửa đổi) chú trọng hơn đến vấn đề CĐS, điều này có ý nghĩa như nào đối với hoạt động của các HTX?
Ông Lê Văn Sinh: Việc CĐS đối với HTX là rất cần thiết, tạo điều kiện kết nối thông tin, góp nầng nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và tăng hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm. Do HTX chủ yếu thực hiện các dịch vụ nông nghiệp cho thành viên như vật tư nông nghiệp, thủy lợi, ngoài ra mới đầu tư thêm xưởng chế biến chè xanh, đội ngũ cán bộ quản lý HTX cơ bản là cao tuổi (trên 60 tuổi), vì vậy việc tiếp cận và ứng dụng CNTT, khoa học kỹ thuật vào quản lý, điều hành của HTX còn khó khăn. Vừa qua, HTX đã tổ chức đại hội để sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo quy định của Luật HTX năm 2023 (sửa đổi). Thời gian tới, HTX sẽ quan tâm đến nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất gắn với CĐS, gắn với ứng dụng KHCN, như: Quản lý tài chính, kế toán bằng phần mềm kế toán, đổi mới công tác quản lý vật tư nông nghiệp phục vụ thành viên bằng hệ thống dữ liệu điện tử, đẩy mạnh ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, đóng gói các sản phẩm trà, đăng ký tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm của HTX; đào tạo kiến thức, kỹ năng bán hàng qua mạng xã hội; thu hút lao động trẻ tham gia quản lý, điều hành và làm việc cho HTX… Từ đó, sẽ giúp cho nâng cao tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong HTX, tiếp cận được nhanh chóng thông tin; nâng cao được năng suất, sản lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao vai trò của HTX với thành viên…
Đoàn công tác Liên minh HTX tỉnh thăm quan xưởng chế biến măng tre Bát Độ xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản của Công ty cổ phần Yên Thành (tỉnh Yên Bái)
MC Thành Chung: Với những ý nghĩa thiết thực của Luật HTX năm 2023 (sửa đổi) như 2 vị khách mời chia sẻ từ đầu chương trình đến giờ, việc đưa Luật HTX năm 2023 (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống có vai trò hết sức quan trọng để các HTX tiếp tục phát triển. Vậy công tác này được Liên minh HTX tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông Nguyễn Trung Kiên?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Luật HTX 2023 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 01/7/2024, tuy nhiên từ khi được Quốc hội thông qua, với trách nhiệm của mình vừa là tổ chức đại diện, vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, HTX, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tuyên truyền, củng cố và đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng cụ thể của HTX và quần chúng Nhân dân. Trong đó, từ năm 2023 đến nay chúng tôi đã phối hợp tích cực với các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp và UBND các huyện, thành phố tổ chức trên 65 lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, tuyên truyền những nội dung mới của Luật HTX 2023 và các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan; tổ chức trên 30 lớp đào tạo, củng cố, hướng dẫn các HTX liên quan đến công tác kiện toàn tổ chức HTX theo Luật HTX 2023 (sửa đổi) và các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của HTX. Đồng thời, triển khai đồng bộ các chương trình, nội dung hỗ trợ cho HTX theo Đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 như: Hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX; kinh phí cho lao động trẻ về làm việc tại HTX; điểm bán sản phẩm HTX; các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các tuần lễ trưng bày sản phẩm, hội chợ trong và ngoài nước; vốn cho HTX có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Liên minh HTX tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn sắp xếp, tổ chức lại hoạt động của các HTX cho các HTX trên địa bàn huyện Đồng Hỷ và TP. Thái Nguyên
MC Thành Chung: Bên cạnh việc tích cực đưa Luật HTX 2023 (sửa đổi) vào cuộc sống, để tiếp tục phát huy vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và thực hiện quan điểm, mục tiêu về xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, trong thời gian tới việc phát triển khu vực kinh tế HTX cần tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì thưa ông/bà?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Vâng, hiện nay quan điểm phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới không chỉ là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, mà còn là “nông nghiệp hữu cơ”, “nông nghiệp tuần hoàn”. Đặc biệt, với thực tiễn hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chúng ta nói chung, để thực hiện được mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh” thì không thể thiếu vai trò của khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX, vì chỉ có HTX phát triển mạnh thì mới giúp nâng cao được chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, mới tạo ra được vùng nguyên liệu, vùng sản xuất quy mô lớn có tính đồng đều về chất lượng và tạo ra khối lượng lớn để đáp ứng cái sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó góp phần nâng cao điều kiện sống khu vực nông thôn và tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, nâng cao nhận thức về CĐS để ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống.
Vùng chè nguyên liệu của HTX Chè sạch Đạt Phát
Để việc phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX đáp ứng được yêu cầu trên, thì theo chúng tôi cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác lãnh đạo, quán triệt Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo thực hiện các chính sách pháp luật của cấp ủy, chính quyền các cấp tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò và ý nghĩa của kinh tế tập thể, HTX đối với đời sống xã hội.
Thứ hai: Ban hành các chính sách cụ thể trong Luật HTX năm 2023 (sửa đổi), Nghị định 113/2024/NĐ-CP để kịp thời hỗ trợ các HTX phát triển.
Thứ ba: Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức nhằm phát triển đa dạng các loại hình HTX trên các lĩnh vực.
Thứ tư: Chú trọng công tác khen thưởng, động viên, tôn vinh các HTX và sản phẩm của HTX; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với HTX của các cấp, các ngành và chính HTX để cùng nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tập thể trong xây dựng NTM, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh trao Cờ thi đua của UBND tỉnh Thái Nguyên cho HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Liên Sơn
MC Thành Chung: Với Luật mới này, ông Lê Văn Sinh có kỳ vọng gì? Và cùng với sự nỗ lực, tích cực của các cấp chính quyền, địa phương, bản thân HTX sẽ có nỗ lực, cố gắng như nào để thúc đẩy HTX phát triển, đóng góp vào kết quả chung của tỉnh thưa ông?
Ông Lê Văn Sinh: Chúng tôi xác định việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX là trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý, người lao động và từng thành viên HTX. Trong đó đổi mới về tư duy, nhận thức về kinh tế tập thể HTX, đổi mới về phương pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thay đổi tư duy từ sản xuất những gì mình có sang tư duy làm kinh tế, sản xuất những gì xã hội yêu cầu, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX; đẩy mạnh ứng dụng CĐS, áp dụng KHCN vào quản lý, sản xuất và kinh doanh; liên kết sản xuất mạnh hơn nữa nhằm tạo ra chuỗi liên kết hàng hóa lớn hơn, để tăng sức mạnh của HTX, giúp nâng cao đời sống của thành viên và người lao động, góp phần vào kết quả chung của tỉnh.
Các đại biểu thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Tuần lễ trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm HTX tiêu biểu của 28 tỉnh, thành phố trong cả nước
MC Thành Chung: Thưa quý vị và các bạn! HTX là “mắt xích” quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong bức thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp “Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh cần phải có HTX”. Nhưng nếu không có chiến lược phát triển bài bản, chắc chắn HTX sẽ không thể tiến xa và thích ứng được với đòi hỏi khắt khe của nền kinh tế thị trường. Và sự ra đời của Luật HTX năm 2023 (sửa đổi) với các chính sách hỗ trợ trên tinh thần đề cao bản chất tốt đẹp của mô hình kinh tế tập thể chắc chắn sẽ là đòn bẩy, tạo “cú hích” để kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX vươn tầm, phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn 2 vị khách mời đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
thainguyen.gov.vn